Để có trải nghiệm tốt hơn trên trên trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Sóc Trăng, bật JavaScript trong trình duyệt của bạn
Bật javasrcipt trình duyệt Chrome Bật javasrcipt trình duyệt IE
chi tiết tin

Việc sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp liên ngành cần góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực hình sự

Trên đây là ý kiến kết luận của đồng chí Lê Hữu Nghĩa - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy tại Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành số 01/QCLN-CA-VKS-TA, ngày 16-3-2017 giữa Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân tỉnh về phối hợp áp dụng pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (Quy chế 01) diễn ra vào sáng ngày 29/5/2019.

Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các ban ngành tỉnh; Liên ngành tư pháp tỉnh cùng Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Điều tra viên hai cấp trên địa bàn tỉnh.

Ảnh: Toàn cảnh hội nghị

Báo cáo sơ kết chỉ rõ:  Qua hai năm triển khai thực hiện Quy chế 01, các cơ quan tư pháp (hai cấp) đã phối hợp tổ chức 138 cuộc họp và giải quyết gần 500 vụ việc, có nhiều vụ việc đặc biệt khó khăn, phức tạp. Từ đó, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình giải quyết các vụ việc trong lĩnh vực hình sự trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, không để xảy ra oan sai, hạn chế việc bỏ lọt tội phạm, nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ công chức tư pháp trong hai cấp, nâng cao công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội địa phương, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Ngoài ra, Quy chế 01 còn là căn cứ, cơ sở để liên ngành phối hợp chặt chẽ trong việc báo cáo đề xuất các vụ, việc do Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp theo dõi và chỉ đạo.

Báo cáo cũng đã chỉ ra những vấn đề còn hạn chế trong công tác phối hợp liên ngành: đó là việc triển khai, quán triệt Quy chế 01 của các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp chưa được quan tâm đúng mức, dẫn tới việc thực hiện không đúng quy định về hình thức, nội dung, thời hạn, thành phần, điều kiện và trình tự cuộc họp theo quy định. Ý kiến chỉ đạo liên ngành chưa được lập thành văn bản nên giá trị của ý kiến liên ngành cấp trên đối với cấp thỉnh thị chưa cao, dẫn tới nhận thức khác nhau, khó triển khai thực hiện. Chưa định kỳ thông báo rút kinh nghiệm về việc thực hiện quy chế nên các tồn tại hạn chế chưa được khắc phục kịp thời. Chưa có biểu mẫu hướng dẫn báo cáo xin ý kiến để thống nhất thực hiện. Một số trường hợp lãnh đạo còn giao phó cho cấp dưới mà thiếu kiểm tra nhắc nhở và không kịp thời phát hiện sai sót để khắc phục.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các ngành đã có nhiều ý kiến thảo luận, nhất trí cao với báo cáo sơ kết và những đề xuất sửa đổi, bổ sung mà Viện kiểm sát đã dự thảo, đồng thời đề xuất thêm một số biện pháp để thực hiện tốt việc phối hợp liên ngành trong việc áp dụng pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự trên địa bàn, mà cụ thể là về hình thức cho ý kiến, giá trị của ý kiến chỉ đạo của liên ngành, bổ sung biểu mẫu báo cáo thỉnh thị, quyền và nghĩa vụ của cơ quan xin ý kiến và cơ quan cho ý kiến và về hình thức, nội dung, thời hạn, thành phần, điều kiện, trình tự các cuộc họp liên ngành cấp tỉnh để giải quyết các vấn đề cần thỉnh thị.

Đồng chí Lê Hữu Nghĩa phát biểu chỉ đạo

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Hữu Nghĩa, đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc thực hiện quy chế phối hợp liên ngành. Đề nghị lãnh đạo liên ngành nghiên cứu kỹ để khi sửa đổi, bổ sung quy chế được thống nhất và thực hiện đạt kết quả cao. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo liên ngành tư pháp tỉnh cần phối hợp thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Nếu có khó khăn, vướng mắc, cơ quan tố tụng đang thụ lý vụ án phải chủ trì họp để xử lý. Trường hợp vẫn không thống nhất, cơ quan tố tụng đang thụ lý vụ án chủ trì dự thảo báo cáo và thống nhất với các cơ quan tố tụng khác, để từng cơ quan tố tụng xin ý kiến hướng dẫn cấp trên theo ngành dọc. Đối với những khó khăn, vướng mắc, báo cáo xin ý kiến hoặc quan điểm của cấp huyện, liên ngành tư pháp tỉnh phải khẩn trương nghiên cứu, tổ chức họp trong thời gian sớm nhất và cho ý kiến, quan điểm để cấp huyện giải quyết án kịp thời, đúng quy định. Ý kiến, quan điểm của liên ngành tỉnh phải có sự thống nhất, cụ thể để cấp huyện thực hiện và đáp ứng yêu cầu. Còn các cơ quan tư pháp cấp huyện, quá trình giải quyết có khó khăn, vướng mắc phải tổ chức họp ngay nhằm thống nhất quan điểm xử lý. Chưa thống thống phải báo cáo kịp thời xin ý kiến liên ngành cấp trên; trường hợp cần thiết phải báo cáo cấp ủy cùng cấp, qua đó góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của từng ngành và thực hiện tốt quy chế phối hợp đã được các ngành ký kết.

Đồng chí Đinh Gia Hưng phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo

Kết thúc Hội nghị đồng chí Đinh Gia Hưng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã phát biểu tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Hữu Nghĩa và có những chỉ đạo riêng trong việc thực hiện Quy chế 01 đối với cán bộ, Kiểm sát viên hai cấp Kiểm sát Sóc Trăng./.

Lê Thị Bích Ngọc


Tin liên quan

» VKSND và TAND huyện Kế Sách phối hợp tuyên truyền pháp luật qua hình thức xét xử lưu động
» Viện kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Xuyên phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án dân sự
» Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức tập huấn về công tác khiếu nại, tố cáo
» VKSND huyện Mỹ Tú xét xử lưu động vụ án “Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”
» Hội nghị tập huấn, triển khai chuyên đề Hướng dẫn số 15/HD-VKSTC và Thông tư liên tịch số 03/2025/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC