Để có trải nghiệm tốt hơn trên trên trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Sóc Trăng, bật JavaScript trong trình duyệt của bạn
Bật javasrcipt trình duyệt Chrome Bật javasrcipt trình duyệt IE
chi tiết tin

Những giải pháp nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự

Công tác kiểm sát tuân theo pháp luật tại phiên tòa dân sự sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm có đạt được mục đích bảo đảm Tòa án xét xử vụ án có căn cứ, đúng pháp luật hay không phụ thuộc vào việc Kiểm sát viên được giao nhiệm vụ thụ lý giải quyết vụ án phải trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, nắm chắc hồ sơ vụ án, việc chuẩn bị nội dung các văn bản tố tụng của Viện kiểm sát.
Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự là hành vi tố tụng do Kiểm sát viên được cử tham gia phiên tòa thực hiện trong thời hạn do BLTTDS quy định để nắm hồ sơ vụ án, kiểm sát việc Thẩm phán áp dụng thực hiện các thủ tục tố tụng, thu thập chứng cứ, tài liệu liên quan vụ án… Do tính chất, mục đích của từng giai đoạn xét xử nên yêu cầu, nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ chuẩn bị tham gia phiên tòa ở các trình tự sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm cũng khác nhau.
Theo quy định của BLTTDS phiên tòa sơ thẩm là sự mở đầu của quá trình Tòa án đưa vụ án ra xét xử công khai sau khi đã thu thập đủ chứng cứ, tài liệu liên quan việc giải quyết vụ án hoặc qua hòa giải các đương sự không thể tự giải quyết được với nhau. Hồ sơ kiểm sát phải thể hiện cô đọng kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án do Tòa án lập, những văn bản tố tụng do Viện kiểm sát lập.
Việc nghiên cứu hồ sơ có ý nghĩa quan trọng, quyết định chất lượng, hiệu quả tham gia phiên tòa của Kiểm sát viên. Vì vậy, Kiểm sát viên nghiên cứu toàn bộ các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án phải đặt câu hỏi và tìm chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án để trả lời:Nguyên đơn khởi kiện, người khởi kiện yêu cầu vấn đề gì; quan hệ pháp luật từ đó phát sinh tranh chấp là quan hệ gì; Tòa án xác định quan hệ pháp luật tranh chấp có đúng không? Tư cách của nguyên đơn, người khởi kiện, bị đơn, bị kiện trong vụ án; các yêu cầu của đương sự; các tính tiết khác liên quan đến vụ án như thế nào… Bị đơn, bị kiện có yêu cầu phản tố hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hay không?. Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiền tòa và của người tham gia tố tụng. Đồng thời phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm là quan điểm của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật tố tụng của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, bảo đảm việc xét xử có căn cứ, đúng pháp luật.


 
Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ chuẩn bị tham gia phiên tòa


Tập trung kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thụ lý vụ án; việc thu thập chứng cứ, tài liệu; xác định tính hợp pháp của các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ do Tòa án lập; việc thực hiện các thủ tục, hành vi, quyết định tố tụng của Thẩm phán; sau đó, tổng hợp toàn bộ các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ xem đã phản ánh nguồn gốc tài sản tranh chấp, yêu cầu của nguyên đơn, phản tố của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Chú ý các thủ tục tố tụng như trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ; yêu cầu giám định, định giá tài sản; việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp khẩn cấp tạm thời… đều phải được kiểm tra, kết luận có vi phạm hay không.
Tiêu chuẩn để xác định được chứng cứ đã đầy đủ là chứng cứ đó đã xác định được đầy đủ các vấn đề cần phải chứng minh; chứng cứ đó đã đủ cơ sở bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng như thế nào?
Chứng cứ hợp pháp là những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án dân sự được thu thập theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 93 BLTTDS năm 2015. Để khẳng định được chứng cứ có hợp pháp hay không, Kiểm sát viên phải kiểm tra từng loại nguồn chứng cứ và đủ cơ sở khẳng định nguồn chứng cứ đó là hợp pháp; đồng thời, kiểm tra thủ tục đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức giao nộp chứng cứ cho Tòa án để xác định chứng cứ đó là hợp pháp.
Trên cơ sở nghiên cứu, kiểm tra nắm chắc nội dung vụ án, Kiểm sát viên thực hiện các thao tác nghiệp vụ tiếp theo trong quá trình chuẩn bị tham gia phiên tòa: Chuẩn bị nội dung hỏi; dự kiến và giải quyết các tình huống phát sinh tại phiên tòa; Dự thảo phát biểu về việc tuân theo pháp luật của các chủ thể tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng tại phiên tòa; việc xác định quan hệ tranh chấp của vụ án và chuẩn bị phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Kiểm sát viên phải báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện kiểm sát về quan điểm giải quyết vụ án. Việc lãnh đạo Viện kiểm sát yêu cầu Kiểm sát viên phải đề xuất quan điểm giải quyết vụ án là nhằm tăng cường trách nhiệm của Kiểm sát viên trong việc nghiên cứu hồ sơ; định hướng phát hiện vi phạm của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; để đối chiếu với nội dung tuyên bản án của Hội đồng xét xử.


                                                                  Sơn Cươl - KSV trung cấp


Tin liên quan

» VKSND thị xã Ngã Năm ban hành Kiến nghị phòng ngừa vi phạm trong tranh chấp dân sự họ, hụi, biêu, phường
» Nhận diện phương thức, thủ đoạn tội phạm lợi dụng hình thức góp họ để chiếm đoạt tài sản
» VKSND thị xã Ngã Năm ban hành kiến nghị hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành án hình sự đối với UBND phường 2, thị xã Ngã Năm Năm
» VKSND thị xã Ngã Năm ban hành kiến nghị yêu Tòa án khắc phục vi phạm trong việc giải quyết vụ án hôn nhân gia đình
» Đình chỉ bị can khi bị hại rút đơn yêu cầu