Để có trải nghiệm tốt hơn trên trên trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Sóc Trăng, bật JavaScript trong trình duyệt của bạn
Bật javasrcipt trình duyệt Chrome Bật javasrcipt trình duyệt IE
chi tiết tin

Vấn đề tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra theo yêu cầu cải cách tư pháp


Nhận thức về chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra
Chủ trương “Tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” là một trong những vấn đề cơ bản, quan trọng trong cải cách tư pháp hình sự hiện nay ở nước ta. Các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về cải cách tư pháp xác định: Viện kiểm sát phải chịu trách nhiệm chính về những oan, sai trong việc khởi tố, bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố; phải bảo đảm việc truy tố có căn cứ, đúng pháp luật, cùng với cơ quan điều tra khắc phục những vi phạm, tồn tại trong quá trình điều tra, bảo đảm không để lọt tội phạm, người phạm tội, không làm oan người vô tội.
Vấn đề đặt ra là, nhận thức như thế nào về “Tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”?. Theo quy định của pháp luật, trong giai đoạn điều tra, Viện kiểm sát có nhiệm vụ thực hành quyền công tố, đồng thời kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình điều tra (kiểm sát điều tra). Việc thực hiện mỗi nhiệm vụ nói trên đặt ra những yêu cầu khác nhau nhưng có mỗi quan hệ hữu cơ với nhau. Thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự được quy định tại Điều 112 BLTTHS năm 2003, theo đó, VKS có quyền quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đề ra yêu cầu điều tra để yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra; trong trường hợp cần thiết, VKS trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra như: trực tiếp hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người làm chứng; triệu tập và lấy lời khai của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; đối chất; tham gia khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; thực nghiệm điều tra; trưng cầu giám định… VKS có quyền quyết định, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn; phê chuẩn hoặc không phê chuẩn các quyết định của cơ quan điều tra; hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; quyết định truy tố bị can ra trước Tòa án. Khi VKS phê chuẩn hoặc không phê chuẩn các lệnh, quyết định của cơ quan điều tra có nghĩa VKS phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Đây thực chất là các biểu hiện của công tố. Mục đích của hoạt động thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra là nhằm chứng minh tội phạm và người phạm tội, là quá trình đưa người phạm tội ra trước Tòa án để xét xử; còn mục đích của hoạt động kiểm sát điều tra là phát hiện vi phạm trong hoạt động điều tra và kiến nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm, bảo đảm việc điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, cần phân biệt sự khác nhau giữa công tác THQCT và công tác KSĐT. Về mặt lý luận, việc phân biệt, tách bạch hai công tác này chưa được làm rõ, nhưng theo quy định của Bộ luật TTHS đã quy định hai công tác này ở hai điều khác nhau (Điều 112, Điều 113). Như vậy, có thể nói thực chất của việc “Tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra” là tăng cường việc thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ của VKS được quy định tại Điều 112 BLTTHS - đây là nhiệm vụ trọng tâm của VKS trong giai đoạn điều tra. Mặt khác, cần thấy được trong thực tiễn hoạt động công tác THQCT và KSĐT của VKS có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Làm tốt các hoạt động kiểm sát điều tra quy định tại Điều 113 BLTTHS là nhằm bổ trợ, là điều kiện để bảo đảm tốt hơn cho hoạt động thực hành quyền công tố.
Tại Hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2011, đồng chí Viện trưởng VKSNDTC đã kết luận về vấn đề này để chỉ đạo toàn Ngành Kiểm sát quán triệt thực hiện; cụ thể như sau: “Cần có cách nhìn toàn diện, đầy đủ về quan hệ giữa thực hành QCT với KSĐT; tăng cường hơn nữa vai trò chủ động của Viện kiểm sát rong quá trình điều tra…; Tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra nghĩa là Viện kiểm sát phải “song hành” cùng với cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra, làm rõ tội phạm và người phạm tội; phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để tìm giải pháp phát hiện, xử lý tội phạm khẩn trương nhất, đầy đủ nhất. Khi phát hiện thấy hạn chế, thiếu sót trong quá trình điều tra, Viện kiểm sát phải coi đó cũng chính là hạn chế, thiếu sót của mình để cùng với cơ quan điều tra tìm biện pháp khắc phục… Viện kiểm sát kiên quyết không phê chuẩn đối với những quyết định tố tụng vi phạm pháp luật hoặc không có căn cứ. Mục tiêu của hoạt động kiểm sát điều tra là nhằm hỗ trợ việc thực hành quyền công tố được tốt, bảo đảm việc truy tố có căn cứ và đúng pháp luật. Do vậy, yêu cầu của việc tăng cường trách nhiệm công tố đòi hỏi Viện kiểm sát phải cùng với cơ quan điều tra khắc phục những vi phạm, tồn tại trong quá trình điều tra, bảo đảm không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội…”.
Kết quả thực hiện chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra trong thời gian qua
Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân nhằm thực hiện chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng”. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đề án này, VKSND tối cao đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra trong toàn Ngành. Trong thời gian tới, Viện trưởng VKSND tối cao sẽ ban hành Chỉ thị về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” để chỉ đạo toàn Ngành thực hiện.
Chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra đã có chuyển biến rõ rệt. VKS các cấp đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố hàng trăm vụ án, bị can; đã hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án của cơ quan điều tra và ra quyết định khởi tố hàng trăm vụ án; đã bám sát quá trình điều tra để kịp thời đề ra yêu cầu điều tra, đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ án, hạn chế tình trạng điều tra kéo dài. Công tác xét phê chuẩn việc khởi tố bị can, bắt khẩn cấp, gia hạn tạm giữ, tạm giam bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật. Số người bị bắt, tạm giữ chuyển khởi tố hình sự đạt tỷ lệ cao. Đã khắc phục cơ bản việc lạm dụng bắt khẩn cấp, việc hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự; hạn chế đáng kể việc bắt oan, sai; hạn chế tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa VKS và cơ quan điều tra; đẩy nhanh tiến độ giải quyết án; giảm đáng kể các trường hợp khởi tố, điều tra sau phải đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do bị can không phạm tội. Số vụ án VKS truy tố đạt tỷ lệ cao so với tổng số vụ án đã kết thúc điều tra.
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, việc thực hiện chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra” cũng còn những hạn chế, tồn tại nhất định. Có thể nhận thấy, việc ban hành chủ trương này thể hiện Đảng và Nhà nước ta quyết tâm xây dựng một nền công tố mạnh, phục vụ thiết thực và hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, Viện kiểm sát giữ vai trò quan trọng trong hoạt động điều tra, Viện kiểm sát được giao trách nhiệm lớn trong việc chống làm oan, chống bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, đến nay chưa có những quy định pháp luật bảo đảm thực hiện có hiệu quả các quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát trong thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, như: thiếu cơ chế bảo đảm để Viện kiểm sát nắm được đầy đủ, kịp thời các tố giác, tin báo về tội phạm trên thực tế cũng như kiểm sát được chặt chẽ việc xử lý tố giác, tin báo về tội phạm của Cơ quan điều tra, dẫn đến nguy cơ bỏ lọt tội phạm; Mặc dù pháp luật hiện hành đã có những quy định về quan hệ phối hợp và kiểm soát giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra, song còn thiếu quy định để bảo đảm thực hiện có hiệu quả quan hệ này. Thực tế, có không ít trường hợp, các yêu cầu của Viện kiểm sát trong quá trình điều tra vụ án hình sự chưa được thực hiện nghiêm túc, Viện kiểm sát đề ra yêu cầu điều tra nhưng cơ quan điều tra không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, nhưng pháp luật lại chưa quy định những biện pháp để bảo đảm thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của Viện kiểm sát.
 Phương hướng, giải pháp tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Thứ nhất, Kiểm sát viên phải bám sát quá trình điều tra, nắm chắc tiến độ điều tra, tăng cường hơn nữa trách nhiệm cá nhân, phát huy tính chủ động của Kiểm sát viên trong việc giải quyết vụ án, đặc biệt là việc ban hành các quyết định tố tụng trong giai đoạn khởi tố, điều tra; đề ra các yêu cầu và trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra khi cần thiết, hạn chế đến mức thấp nhất phải trả hồ sơ điều tra bổ sung. Việc đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu cơ quan Điều tra tiến hành điều tra là một quyền năng quan trọng và cơ bản của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Thông qua việc đề ra yêu cầu điều tra, Kiểm sát viên thể hiện rõ quan điểm của mình trong việc thu thập chứng cứ; đây vừa là quyền năng, đồng thời cũng thể hiện trình độ, năng lực của Kiểm sát viên. Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm đến công tác này nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng yêu cầu điều tra.
Thứ hai, Viện kiểm sát các cấp phải quản lý chặt chẽ thông tin tội phạm, thực sự chủ động trong quản lý và phân loại xử lý thông tin tội phạm; quán triệt và thực hiện đúng nguyên tắc: mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện, điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm - đó cũng chính là nhiệm vụ quan trọng gắn với chức năng công tố của Viện kiểm sát. Để làm được điều đó, Viện kiểm sát các cấp phải xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với với Công an các cấp trong việc cung cấp và xử lý thông tin, đây là nguồn thông tin trực tiếp và chủ yếu. Bên cạnh đó, cần chủ động phối hợp với các cơ quan khác như Hải quan, Bộ đội biên phòng, Thuế, Kiểm lâm, Thanh tra, Quản lý thị trường… để nắm thông tin vi phạm, tội phạm vì đây là các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực thuộc thẩm quyền.
Thứ ba, VKS phải làm tốt hơn các hoạt động kiểm sát điều tra, thực hiện đúng quy định kiểm sát điều tra ngay từ giai đoạn khởi tố. Đây là một giải pháp thiết thực, tạo điều kiện để Kiểm sát viên nắm được bản chất vụ việc, KSV cần phối hợp với Điều tra viên để xác lập định hướng điều tra, xây dựng kế hoạch điều tra cụ thể nhằm bảo đảm việc điều tra, xử lý vụ án được triệt để, đúng pháp luật; định kỳ cùng với Điều tra viên đánh giá kết quả điều tra, thống nhất những nội dung cần tiếp tục điều tra, thực hiện đúng tiến độ điều tra và thời hạn xử lý vụ án. Thực hiện kiểm sát điều tra ngay từ đầu cũng tạo điều kiện để Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát thống nhất quan điểm trong việc đánh giá chứng cứ, xác định tội danh và hướng xử lý đối với người phạm tội, khắc phục cơ bản việc đùn đẩy trách nhiệm hoặc “quyền anh, quyền tôi” trong hoạt động tố tụng hình sự.
Bên cạnh các vấn đề nêu trên, VKS các cấp cần chủ động xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác với cơ quan Điều tra, nhất là xây dựng các quy chế phối hợp liên ngành. Mặt khác, cần quan tâm, tăng cường hơn nữa ý thức trách nhiệm của các Kiểm sát viên trong việc thực hiện các quyền hạn tố tụng; tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý cũng như trách nhiệm tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp và Thủ trưởng các đơn vị, nhất là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra của Lãnh đạo viện đối với cán bộ, kiểm sát viên. Kinh nghiệm cho thấy, ở nơi nào, lãnh đạo Viện sâu sát trong quản lý, chỉ đạo, điều hành thì ở đó chất lượng công tác được nâng lên rõ rệt. Vì vậy, để thực hiện tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra thì trước hết, các cấp lãnh đạo phải thể hiện đầy đủ nhất, tập trung nhất trách nhiệm trước công việc, nhất là công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác kiểm tra đối với cán bộ, kiểm sát viên và VKS cấp dưới./.


TS. Hoàng Thị Quỳnh Chi


Tin liên quan

» Đồng chí Nguyễn Hải Trâm giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Tiền Giang
» INFOGRAPHICS: Tóm tắt tiểu sử Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Lê Minh Trí
» [INFOGRAPHICS] Tiểu sử Bí thư Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí
» [INFOGRAPHICS] Tiểu sử Tân Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang
» [INFOGRAPHICS] Tiểu sử Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long