Để có trải nghiệm tốt hơn trên trên trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Sóc Trăng, bật JavaScript trong trình duyệt của bạn
Bật javasrcipt trình duyệt Chrome Bật javasrcipt trình duyệt IE
chi tiết tin

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng các Điều 234, 244 của Bộ luật hình sự

Để áp dụng đúng và thống nhất Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã; Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật hình sự và Điều 106 về xử lý vật chứng trong giai đoạn xét xử của Bộ luật Tố tụng hình sự, ngày 05/11/2018, sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng các điều luật này.

Theo đó, Nghị quyết này hướng dẫn:

- Áp dụng một số tình tiết định tội được quy định tại các Điều 234, 244 của Bộ luật hình sự;

- Áp dụng một số tình tiết định khung hình phạt;

- Về hành vi tàng trữ cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm;

- Về hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm;

- Về trường hợp thu giữ được nhiều loài động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc các lớp khác nhau.

Ngoài ra, Nghị quyết còn hướng dẫn việc xử lý vật chứng trong giai đoạn xét xử theo Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự, cụ thể:

- Việc xử lý vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc sản phẩm của chúng được thực hiện như sau:

+ Vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để trả về tự nhiên, giao cho trung tâm cứu hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc giao cho cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

+ Vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản thì tiêu hủy hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

+ Vật chứng khác không thuộc trường hợp hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này thì tịch thu hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

- Đối với vật chứng đã được xử lý theo hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, khi xét xử, Tòa án căn cứ vào biên bản thu giữ, bản ảnh, dữ liệu điện tử, biên bản giám định, biên bản giao nhận, quyết định xử lý vật chứng và các tài liệu, chứng cứ khác có liên quan trong hồ sơ vụ án để giải quyết.

- Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc sản phẩm của chúng được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành.

Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2018.

Xem toàn văn Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP tại đây./.

Trường Giang

(Giới thiệu)


Tin liên quan

» Đồng chí Nguyễn Hải Trâm giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Tiền Giang
» INFOGRAPHICS: Tóm tắt tiểu sử Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Lê Minh Trí
» [INFOGRAPHICS] Tiểu sử Bí thư Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí
» [INFOGRAPHICS] Tiểu sử Tân Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang
» [INFOGRAPHICS] Tiểu sử Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long