Để có trải nghiệm tốt hơn trên trên trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Sóc Trăng, bật JavaScript trong trình duyệt của bạn
Bật javasrcipt trình duyệt Chrome Bật javasrcipt trình duyệt IE
chi tiết tin

KIỂM SÁT VIÊN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

------------------------------

1. TIÊU CHUẨN KIỂM SÁT VIÊN

1.1. Tiêu chuẩn chung:

- Căn cứ Điều 2 Pháp lệnh Kiểm sát viên năm 2002 được sửa đổi bổ sung năm 2011 (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh Kiểm sát viên) thì Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có trình độ cử nhân luật, đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định của Pháp lệnh Kiểm sát viên, có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên.
- Việc xác định các tiêu chuẩn Kiểm sát viên quy định tại Điều 2 Pháp lệnh Kiểm sát viên cần căn cứ vào quy định tại Thông tư liên tịch số01/2003/TTLT-TANDTC-BQP-BNV-UBTWMTTQVN để vận dụng cho phù hợp; 

1.2. Tiêu chuẩn cụ thể của Kiểm sát viên:

- Tiêu chuẩn cụ thể của Kiểm sát viên sơ cấp:

Theo quy định tại Điều 18 Pháp lệnh Kiểm sát viên thì người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh Kiểm sát viên, có thời gian làm công tác pháp luật từ bốn năm trở lên, có năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát quân sự.

- Tiêu chuẩn cụ thể của Kiểm sát viên trung cấp:

Theo quy định tại Điều 19 Pháp lệnh Kiểm sát viên thì:

+ Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh Kiểm sát viên và đã là Kiểm sát viên sơ cấp ít nhất là năm năm, có năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát đối với Kiểm sát viên sơ cấp thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên trung cấp của Viện Kiểm sát nhân dân; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát quân sự.

+ Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh Kiểm sát viên và đã có thời gian làm công tác pháp luật từ mười năm trở lên, có năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát đối với Kiểm sát viên sơ cấp, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên trung cấp của Viện Kiểm sát nhân dân; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát quân sự.

- Tiêu chuẩn cụ thể của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương:

Theo quy địnl tại các điều 20, 21 Pháp lệnh Kiểm sát viên thì:

+ Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh Kiểm sát viên và đã là Kiểm sát viên trung cấp ít nhất là năm năm, có năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát đối với Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự Trung ương.

+ Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh Kiểm sát viên và đã có thời gian làm công tác pháp luật từ mười lăm năm trở lên, có năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát đối với Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự Trung ương.

+ Trong trường hợp cần thiết, người đang công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân hoặc người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến công tác tại ngành Kiểm sát nhân dân, tuy chưa đủ thời gian làm Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp hoặc chưa đủ thời gian làm công tác pháp luật, nhưng có đủ các tiêu chuẩn khác quy định tại các điều 18, 19, 20 của Pháp lệnh Kiểm sát viên, thì cũng có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp hoặc Kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát nhân dân hoặc Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp hoặc Kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát quân sự hoặc Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự Trung ương.

 

2. QUY TRÌNH TUYỂN CHỌN, BỔ NHIỆM, CÁCH CHỨC KIỂM SÁT VIÊN

2.1. Quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm Kiểm sát viên:

Quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm Kiểm sát viên VKSND và Viện kiểm sát quân sự các cấp gồm các bước sau:

- Một là, Ban cán sự Đảng VKSND, Viện kiểm sát quân sự các cấp căn cứ vào nhu cầu cán bộ, xác định chủ trương bổ nhiệm Kiểm sát viên thuộc thẩm quyền quản lý.

- Hai là, cơ quan tham mưu về công tác cán bộ lập hồ sơ trích ngang của cán bộ, tập hợp các loại đơn thư khiếu nại, tố cáo và các báo cáo kết luận có liên quan đến việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với cán bộ (nếu có) để báo cáo Ban cán sự Đảng cùng cấp xem xét.

- Ba là, cán bộ thuộc đối tượng bổ nhiệm, bổ nhiệm lại làm bản tự kiểm điểm, đánh giá ưu khuyết điểm việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, kèm theo ý kiến nhận xét đánh giá của thủ trưởng đơn vị.

- Bốn là, đơn vị có cán bộ thuộc đối tượng bổ nhiệm, bổ nhiệm lại tổ chức cho tập thể Kiểm sát viên, cán bộ trong đơn vị tham gia ý kiến. Tổ chức bỏ phiếu thăm dò tín nhiệm (với đối tượng bổ nhiệm lần đầu), lấy ý kiến nhận xét của chi uỷ, chi bộ, cơ sở, trưởng ban công tác mặt trận, tổ dân phố... nơi cư trú thường xuyên của đối tượng được đề nghị xem xét bổ nhiệm. Với cán bộ bổ nhiệm lại thực hiện việc nhận xét, đánh giá cán bộ theo đúng quy trình trước khi xem xét bổ nhiệm lại.

- Năm là, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao cùng với tập thể lãnh đạo tổng hợp kết quả kết quả tín nhiệm và xác minh, kết luận những vấn đề mới nẩy sinh đối với cán bộ (nếu có).

- Sáu là, Lãnh đạo đơn vị, Thường vụ Đảng uỷ hoặc Đảng uỷ (chi uỷ) cơ quan, đơn vị... nhận xét đánh giá và có y kiến đề nghị bằng văn bản về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm.

- Bảy là, Uỷ ban kiểm sát VKSND, Viện kiểm sát quân sự các cấp họp xét chọn và đề nghị Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát các cấp tuyển chọn Kiểm sát viên.

- Tám là, Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát các cấp họp tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn theo quy định của Pháp lệnh Kiểm sát viên để trình cấp có thẩm quyền xem xét bổ nhiệm. Trên cơ sở kết quả của Hội đồng tuyển chọn, Viện trưởng VKSND tối cao trình Chủ tịch nước bổ nhiệm Kiểm sát viên VKSND tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự Trung ương; Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSND cấp tỉnh, cấp huyện, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao bổ nhiệm Kiểm sát viên VKSND cấp tỉnh, cấp huyện, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, khu vực.

2.2. Quy trình miễn nhiệm Kiểm sát viên:

Quy trình miễn nhiệm Kiểm sát viên tiến hành như sau:

- Một là, Kiểm sát viên làm đơn xin miễn nhiệm, nêu rõ lý do xin miễn nhiệm;

- Hai là, Uỷ ban kiểm sát họp xét để trình Hội đồng tuyển chọn xem xét;

- Ba là, Hội đồng tuyển chọn họp xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định;

- Bốn là, trên cơ sở kết quả của Hội đồng tuyển chọn, Viện trưởng VKSND tối cao trình Chủ tịch nước miễn nhiệm Kiểm sát viên VKSND tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự Trung ương; Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSND cấp tỉnh, cấp huyện, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao miễn nhiệm chức danh Kiểm sát viên.

Quy trình miễn nhiệm Kiểm sát viên đối với trường hợp đương nhiên miễn nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Pháp lệnh Kiểm sát viên.

- Viện trưởng VKSND tối cao trình miễn nhiệm đối với Kiểm sát viên VKSND tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự Trung ương;

- Viện trưởng VKSND cấp tỉnh đề nghị miễn nhiệm đối với Kiểm sát viên cấp tỉnh, cấp huyện. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương đề nghị miễn nhiệm đối với Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, khu vực.

2.3. Quy trình đề nghị cách chức Kiểm sát viên VKSND các cấp:

Các bước tiến hành cách chức Kiểm sát viên.

- Một là, Kiểm sát viên bị đề nghị cách chức làm bản tự kiểm điểm;

- Hai là, cơ quan, đơn vị nơi Kiểm sát viên công tác tổ chức kiểm tra xác minh vi phạm và kiểm điểm làm rõ sai phạm của người bị đề nghị cách chức;

- Ba là, Hội đồng kỷ luật cơ quan, đơn vị nơi Kiểm sát viên công tác họp xem xét đề nghị hình thức kỷ luật để cấp có thẩm quyền quyết định ;

- Bốn là, Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát các cấp họp xem xét việc cách chức đối với chức danh Kiểm sát viên;

- Năm là, Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên các cấp họp xem xét đề nghị cách chức chức danh Kiểm sát viên;

- Sáu là, đề nghị cách chức.

Các trường hợp đương nhiên bị cách chức theo khoản 1 Điều 28 Pháp lệnh Kiểm sát viên:

- Viện trưởng VKSND tối cao trình Chủ tịch nước quyết định cách chức đối với Kiểm sát viên VKSND tối cao và Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự Trung ương.

- Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSND cấp tỉnh đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao cách chức Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên sơ cấp.

- Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao cách chức Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu và khu vực.

 

3. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA KIỂM SÁT VIÊN

3.1. Nhiệm vụ, quyền hạn chung:

- Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền Viện kiểm sát cấp mình theo phân công của Viện trưởng và chịu trách nhiệm trước Viện trưởng.

- Khi thực hiện nhiệm vụ, Kiểm sát viên phải tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình, sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Kiểm sát viên có quyền từ chối nhiệm vụ được giao khi có căn cứ cho rằng việc đó là trái pháp luật; nếu Viện trưởng vẫn quyết định thì Kiểm sát viên phải chấp hành, nhưng Viện trưởng phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình; trong trường hợp này Kiểm sát viên có quyền báo cáo lên Viện trưởng cấp trên trực tiếp và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó.

- Kiểm sát viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong các trường hợp do pháp luật tố tụng quy định.

3.2. Kiểm sát viên không được làm những việc sau đây:

- Những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm;

- Tư vấn cho bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án hoặc những việc khác không đúng quy định của pháp luật; 

- Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết các vụ án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án; 

- Đem hồ sơ vụ án hoặc tài liệu trong hồ sơ vụ án ra khỏi cơ quan, nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền; 

- Tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong các vụ án mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định.

3.3. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể:

- Căn cứ Điều 37 BLTTHS thì khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự, Kiểm sát viên có những nhiệm vụ và quyền hạn sau:

+ Kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra;

+ Đề ra yêu cầu điều tra;

+ Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án;

+ Kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam;

+ Tham gia phiên toà; đọc cáo trạng, quyết định của Viện kiểm sát liên quan đến việc giải quyết vụ án; hỏi, đưa ra chứng cứ và thực hiện việc luận tội; phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, tranh luận với những người tham gia tố tụng tại phiên toà;

+ Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án, của những người tham gia tố tụng và kiểm sát các bản án, quyết định của Toà án;

+ Kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Toà án;

+ Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát.

Kiểm sát viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng Viện kiểm sát về những hành vi và quyết định của mình.

- Căn cứ Điều 45 BLTTDS năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì khi được phân công thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng dân sự, Kiểm sát viên có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

+ Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, giải quyết việc dân sự của Toà án;

+ Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tham gia tố tụng;

+ Kiểm sát các bản án, quyết định của Toà án;

+ Tham gia phiên toà xét xử vụ án dân sự, phiên họp giải quyết việc dân sự theo quy định của BLTTDS và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ việc dân sự;

+ Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát.

+ Ngoài các quy định cụ thể trong BLTTHS, BLTTDS thì Kiểm sát viên còn có các nhiệm vụ, quyền hạn khác do pháp luật quy định.

3.4. Trách nhiệm của Kiểm sát viên:

- Kiểm sát viên chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

- Kiểm sát viên trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà gây thiệt hại thì Viện kiểm sát nhân dân nơi người đó công tác phải có trách nhiệm bồi thường và người đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật.

- Kiểm sát viên phải giữ bí mật nhà nước và bí mật công tác theo quy định của pháp luật.

- Kiểm sát viên phải tôn trọng nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.

- Kiểm sát viên phải gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng; tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

- Kiểm sát viên có trách nhiệm học tập, nghiên cứu để nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ kiểm sát.

- Kiểm sát viên có có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Quyết định số 296/2008/QĐ-VKSTC ngày 18/6/2008 của Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân.

Nguồn: VKSNDTC

 

 


 


Tin liên quan

» Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân
» Vị trí, vai trò, chức năng, tổ chức hoạt động của Ngành Kiểm sát nhân dân