Để có trải nghiệm tốt hơn trên trên trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Sóc Trăng, bật JavaScript trong trình duyệt của bạn
Bật javasrcipt trình duyệt Chrome Bật javasrcipt trình duyệt IE
chi ti?t tin

“Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” không phải nói suông

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ Đảng viên phải rèn đức, luyện tài vì đức và tài chính là phẩm chất và năng lực cần có của một con người, tuyệt đối không thể khuyết mặt nào, người có đức thì không làm hại ai nhưng nếu không có tài thì không thể giúp ích được gì cho Tổ quốc và Nhân dân, ngược lại người có tài chính là nguồn tài nguyên quý giá của một đất nước nhưng nếu tài không có đức thì sớm muộn gì cũng trở thành sâu dân, mọt nước, hại mình hại người … Đức và tài, chính là nền tảng giá trị của người cán bộ Cách mạng, như cây phải có gốc, suối phải có nguồn. Và như vậy, học tập tử tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là truyền thống, lý tưởng của mỗi người cán bộ, đảng viên, chính là sự làm tròn đầy đạo đức cách mạng trong chính bản thân mình, như sức nặng của câu nói đời đời mang tên Bác “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” không bao giờ thay đổi và “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cũng không phải là lời nói suông.

Nói suông là nói không đi đôi với làm. Nói trên lý thuyết, sách vở, hiểu biết sáo rỗng nhưng không có hành động cụ thể chứng minh hoặc có nhưng hành động thực tế không tương xứng. Người nói suông thường mang tính chất qua loa, đối phó nhất thời, thiếu trách nhiệm với phát ngôn của chính mình. Vậy nếu đặt thói quen nói suông trong phạm trù rèn luyện đạo đức cách mạng, nói mà không làm hoặc làm nhưng không đúng, không tới thì sẽ gây ra hậu quả vô cùng to lớn, có thể làm lũng đoạn cả một hệ thống chính trị, làm sói mòn nhân cách, đạo đức và hệ tư tưởng của phần lớn cán bộ sẽ ngày càng băng hoại, xuống cấp, đó chính là biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Như vậy, như thế nào là không nói suông trong việc thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”?

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Thiếu một mùa, thì không thành trời.

Thiếu một phương, thì không thành đất.

Thiếu một đức, thì không thành người”.

 “Cần” tức là lao động cần cù, siêng năng, có kế hoạch, có sáng tạo, có năng suất cao, không lười biếng, ỷ lại, dựa dẫm, đã làm việc gì dù khó khăn đến mấy cũng phải làm cho bằng được, làm cho thật tốt. Phải thấy rõ một điều, không có lao động tức là không có sự sống, lao động vừa là trách nhiệm của mỗi con người, là nghĩa vụ nhưng cũng là nguồn hạnh phúc lớn lao vì lao động chính là vinh quang. Như vậy, “cần” ở đây không chỉ là chăm chỉ trong công việc của chính mình mà còn thể hiện ở một tâm hồn rộng lớn, biết yêu thương, biết hỗ trợ, giúp đỡ, san sẻ công việc khi Lãnh đạo đơn vị giao phó, khi đồng chí, đồng đội gặp trở ngại, khó khăn và cần cả những lời an ủi, cảm thông, những sự tuyên dương, tán thán khi một ai đó mắc sai lầm hoặc khi họ có được sự thành công, rực rỡ. Như một bông hoa không khoe sắc một mình, mà khi tất cả các bông hoa cùng nở rộ, mọi sự đẹp đẽ chính là sự kết tinh của sự đoàn kết tập thể, không ngừng chăm bồi, giáo dưỡng cho mỗi cá nhân từ mờ nhạt trở nên tỏa sáng. Trước khi chuyên cần nổ lực cho bản thân để đạt được sự thành công, chúng ta trước hết vẫn cần một tấm lòng cách mạng không cá nhân, ích kỷ.

“Kiệm” là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Cần với kiệm phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người. Cần mà không kiệm thì “làm chừng nào xào chừng ấy”. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, lúc không nên tiêu xài thì một hạt gạo, một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có một việc đáng làm,  việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng… Việc đáng tiêu mà không tiêu là bủn xỉn, dại dột, chứ không phải là kiệm. Đặc biệt, “kiệm” ở đây không  chỉ là tiết kiệm về tiền bạc mà còn có ý nghĩa không được phung phí thời gian, sức khỏe, không được lãng phí tài nguyên của Quốc gia vì tất cả tài nguyên đều dùng vào mục đích phục vụ Nhân dân. Nếu chúng ta lãng phí tài nguyên chính là gián tiếp trộm cắp đi một phần phúc lợi mà Nhân dân đáng được hưởng. Kiệm càng có nghĩa là tiết kiệm chất xám, sử dụng đúng người, đúng việc, đúng mục đích, đúng thời gian chính là tránh lãng phí sức lao động của con người. Giống như việc vận hành một cổ máy, phải có sự sắp xếp vận hành khoa học, không chồng chéo, không lãng phí, mọi việc được giải quyết nhanh, gọn và mang lại hiệu quả cao. Ý nghĩa của “kiệm” chính là tích lũy, trân trọng những cái nhỏ bé, tầm thường nhất về vật chất và tinh thần để tạo nên một giá trị cống hiến to lớn hướng đến phục vụ cho tất cả mọi người, mà muốn làm được như thế bản thân mỗi người chúng ta phải là một người biết tiết kiệm, chứ không phải là bỏn xẻn, gom nhặt, tiêu xài của công của mọi người mà nghĩ là của mình, phục vụ cho mình.

“Liêm” phải đi đôi với “Kiệm” vì không biết tiết chế, tiết độ sẽ sanh ra xa xỉ, lãng phí, nếu xa xỉ, lãng phí thì không thể nào “Liêm” được. Theo Hồ Chủ tịch, “Liêm” là không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không tham sắc, không tham người tâng bốc mình. Vậy “Liêm” có nghĩa là phải quang minh, chính đại, trong sạch và không tham lam.  Ý nghĩa của quang minh chính đại khác biệt với khái niệm không phạm sai lầm, vì con người không ai không mắc sai lầm nhưng có sai lầm nhưng biết nhìn nhận cái sai đó, biết rút kinh nghiệm, biết tu dưỡng bản thân thì cũng chính là đang làm cho tâm hồn mình trở nên trong sáng hơn trong mọi hoàn cảnh, ví như câu “ngọc không mài không sáng, đá không rèn mãi mãi là đá cuội”. Đối với khái niệm tham lam cũng khác hẳn với mong muốn chính đáng, mong muốn chính đáng được hiểu rằng chính là nhu cầu phát triển bản thân, nhu cầu học tập phấn đấu để được mọi người công nhận, nhu cầu trở thành một người cán bộ có tài có đức, là một phiên bản tốt nhất của bản thân mình. Đó hoàn toàn không phải là tham lam, mà chính là vì có lý tưởng, có mục tiêu nên chúng ta biết được bản thân cần gì, muốn gì và phải làm gì để đạt được mục tiêu đã đặt ra, nó khác với việc chúng ta tham lam những thứ không tương xứng với năng lực và những cống hiến mà chúng ta đã hy sinh, khác với tham lam tài lợi mà khiến bản thân bất chấp, không giữ gìn đạo đức của người cán bộ Cách mạng. “Liêm” không chỉ là chính trực, ngay thẳng với mọi người mà trước hết mỗi người cần sống thật và biết nuôi dưỡng lý tưởng của bản thân mình bằng một cái tâm vững chãi và nhiệt huyết không dễ bị khuất phục.

“Chính” là chính trực, ngay thẳng, đứng đắn, không tự cao tự đại, không nịnh trên, khinh dưới, luôn chân thành, khiêm tốn và đoàn kết. “Cần, kiệm, liêm” là gốc rễ của Chính, một người có siêng năng, tiết kiệm, trong sạch mà không có “Chính” tức là không có “Thiện” mà thiện ở đây chính là tượng trưng cho nhân cách, đạo đức của người cán bộ, cũng là mục đích tôi rèn, giáo dục một con người trở thành người có tài, có đức trong xã hội. Chính cũng có nghĩa là những điều thuộc về chân lý thì không thể thay đổi, không được làm trái, ví như có câu “tà không thắng chính” cho nên việc gì có lợi cho Tổ quốc, cho Nhân dân dù là một việc nhỏ cũng phải làm còn đã không phải là việc có ích thì tuyệt nhiên không được xem là chính sự. Người chính trực sẽ là người dám nói lên những việc làm sai trái, dám đấu tranh để bảo vệ cho công bằng, cho lẽ phải, dám vì quyền lợi của nhiều người hy sinh ích lợi nhỏ bé của cá nhân mình, không bao giờ tự tư tự lợi, không bao giờ xen lẫn việc công và việc cá nhân, luôn rạch ròi và chiến đấu hết mình vì nhiệm vụ được giao, không thấy khó mà nản thấy khổ mà lui, người có chính trực sẽ dám hết mình sống và cống hiến vì lý tưởng phục vụ Tổ quôc và Nhân dân, đó là những tấm gương tiêu biểu đại diện cho những anh hùng trong thời bình sẵn sàng bảo vệ lẽ phải, bảo vệ đồng chí, đồng đội trước sự tha hóa, cái xấu, cái ác mà không hề do dự.

“Chí công vô tư” là bản lĩnh, là sự công bằng, công tâm trong cách làm việc, không có lòng riêng tư, thiên vị bất kỳ một ai, không “tư ân, tư huệ, tư thù, tư oán”. Khi làm bất cứ việc gì không nghĩ đến lợi ích của mình trước, khi hưởng thụ thành quả cũng đi sau mọi người, có thể nói răng “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Đây cũng là chuẩn mực mà một người Lãnh đạo cần phải tôi rèn bởi vì khi một người có trong tay chức vụ, quyền hạn nhưng lại không giữ được cán cân công lý, cán cân không được nghiêng về lẽ phải, pháp luật mà nghiêng về sự đo lường, tính toán lợi ích thì người Lãnh đạo đó không phải là một người sáng suốt, cũng không thể nào chèo chống tập thể đó vượt qua sóng gió để có được vinh quang. Muốn thành tựu “Chí công vô tư” thì phải có cho mình cần, kiệm, liêm, chính mà muốn có cần, kiệm, liêm chính thì chúng ta phải quay về bản thân mình tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình những thói hư tật xấu của mình và người khác. Không thể có một điều tốt đẹp nào mà không phải trải qua gian nan, thử thách vì tất cả chúng ta được sinh ra là một bình thường, chỉ cốt yếu là do ta lựa chọn một cách sống “không tầm thường” mà thôi. Bác Hồ đã căn dặn “Muốn nên sự nghiệp lớn, Tinh thần càng phải cao” vì chỉ có như thế thì chúng ta mới thật sự xứng đáng là “Người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.

Có thể, ai trong chúng ta cũng từng mắc sai lầm, có thể ta cũng chưa làm được trọn vẹn như những gì Bác răn dạy nhưng trong cuộc đời học tập, lao động, phấn đấu làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh của người cán bộ đảng viên, chúng ta đã không ngừng rèn luyện, không ngừng tự soi tự sửa bản thân, giúp người khác nhận ra sai lầm của mình và không ngừng sửa đổi, làm mới. Như vậy, chúng ta vẫn xứng đáng là những người đảng viên chân chính, những người chiến sĩ yêu nước, yêu đồng bào trong thời bình và cho dù trải qua bao nhiêu thế hệ thì Hồ Chí Minh cùng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người mãi mãi là cảm hứng học tập, lao động, phấn đấu là truyền thống và chân lý sáng ngời của dân tộc Việt Nam.

Lý Thị Thanh Hoa


Tin liên quan

» Chi bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện Kế Sách có thành tích xuất sắc trong 05 năm thực hiện Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị
» Chi bộ VKSND huyện Mỹ Xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảng viên
» Giải pháp nâng cao nhận thức, thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm sát
» Chi bộ VKSND huyện Trần Đề tiếp Tổ giám sát - UBKT Huyện ủy về việc kê khai tài sản thu nhập đối với các đồng chí lãnh đạo
» Chi bộ Viện kiểm sát nhân dân thành phố Sóc Trăng tổ chức sinh hoạt chính trị về tìm hiểu nội dung tác phẩm “Đoàn kết là sức mạnh”