Để có trải nghiệm tốt hơn trên trên trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Sóc Trăng, bật JavaScript trong trình duyệt của bạn
Bật javasrcipt trình duyệt Chrome Bật javasrcipt trình duyệt IE
chi tiết tin

Bàn về ủy thác điều tra trong hoạt động tố tụng hình sự

Ủy thác điều tra là một hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện bởi Cơ quan điều tra trực tiếp giải quyết vụ án hình sự để yêu cầu Cơ quan điều tra khác tiến hành một số hoạt động điều tra khi thấy cần thiết như xác minh, lấy lời khai,...nhằm đảm bảo cho hoạt động điều tra được thuận tiện, nhanh chóng, rút ngắn thời gian cho hoạt động điều tra, xử lý vụ án. Việc ủy thác điều tra phải thực hiện bằng Quyết định và phải nêu rõ các yêu cầu cần điều tra, ngoài việc gởi cho Cơ quan điều tra được ủy thác, thì Cơ quan điều tra đã ủy thác điều tra còn phải gởi cho Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác điều tra. Việc ủy thác điều tra được quy định khoản 1 Điều 171 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 như sau “1. Khi cần thiết, Cơ quan điều tra ủy thác cho Cơ quan điều tra khác tiến hành một số hoạt động điều tra. Quyết định ủy thác điều tra phải ghi rõ yêu cầu và gửi cho Cơ quan điều tra được ủy thác, Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác.

Bên cạnh việc quy định trách nhiệm của Cơ quan điều tra được ủy thác tại khoản 2 Điều 171 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 như phải thực hiện đầy đủ các nội dung yêu cầu được ủy thác, đúng thời hạn yêu cầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện ủy thác điều tra; trường hợp không thực hiện được việc ủy thác thì phải có ngay văn bản nêu rõ lý do gửi Cơ quan điều tra đã ủy thác. Thì tại khoản 3 Điều 171 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 còn quy định trách nhiệm của Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác như sau:3. Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiến hành hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra được ủy thác và phải chuyển ngay kết quả thực hành quyền công tố và kiểm sát việc ủy thác điều tra cho Viện kiểm sát đã ủy thác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra”.

Có trường hợp đặt ra là khoản 1 Điều 171 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định Cơ quan điều tra đã ủy thác gởi Quyết định ủy thác điều tra cho Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác, mà không quy định Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra đã ủy thác ban hành và gởi Quyết định ủy thác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc ủy thác điều tra. Đối chiếu với quy định tại khoản 3 có nêu “...phải chuyển ngay kết quả thực hành quyền công tố và kiểm sát việc ủy thác điều tra cho Viện kiểm sát đã ủy thác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.” Như vậy, theo ý kiến của người viết, có thể hiểu là Viện kiểm sát cũng phải thực hiện việc ủy thác thực hành quyền công tố và kiểm sát ủy thác điều tra cho Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác.

Trên thực tế, nhìn chung việc thực hiện ủy thác điều tra và thực hành quyền công tố, kiểm sát việc ủy thác điều tra vẫn còn trường hợp chưa được quan tâm đúng mức, một số trường hợp Cơ quan điều tra không ban hành Quyết định ủy thác điều tra mà ban hành công văn yêu cầu phối hợp điều tra, Viện kiểm sát không ủy thác thực hành quyền công tố và kiểm sát ủy thác điều tra, Cơ quan điều tra được ủy thác điều tra và Viện kiểm sát được ủy thác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc ủy thác điều tra không thông báo kết quả thực hiện việc ủy thác, dẫn đến gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án.

Để thực hành quyền công tố và kiểm sát việc ủy thác điều tra có hiệu quả, Viện kiểm sát được ủy thác cần phân công Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát việc ủy thác điều tra, lập hồ sơ kiểm sát, đề ra yêu cầu điều tra khi cần thiết, quan tâm tiến độ thực hiện việc ủy thác điều tra và phải chuyển ngay kết quả thực hành quyền công tố và kiểm sát việc ủy thác điều tra cho Viện kiểm sát đã ủy thác trong thời hạn yêu cầu, cùng các tài liệu đã thực hành quyền công tố và kiểm sát việc ủy thác điều tra; trường hợp không thực hiện được việc ủy thác thì phải có ngay văn bản nêu rõ lý do gửi Viện kiểm sát đã ủy thác./.

 

          Lê Hồng Như

 

 

 


Tin liên quan

» Một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp
» Phòng 9 VKSND tỉnh thực hiện tốt công tác kháng nghị, kiến nghị
» Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, sửa bản án sơ thẩm
» Kiến nghị thu hồi các quyết định thi hành án, quyết định giải tỏa tài sản của người phải thi hành án
» Hiệu quả từ phiên tòa rút kinh nghiệm đối với công tác tự đào tạo của Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề