Hoạt Động
THỐNG KÊ & CNTT
SỔ TAY KIỂM SÁT VIÊN
SUY NGẪM VỀ “TRÍCH DẪN ĐIỀU LUẬT” TRONG CÁO TRẠNG
Cáo trạng là văn bản pháp lý, do Viện kiểm sát là cơ quan duy nhất được giao chức năng thực hành quyền công tố ban hành, thực hiện quyền buộc tội và truy tố bị can ra trước Toà án để xét xử về tội danh và điều luật được quy định trong Bộ luật hình sự. Nội dung Cáo trạng được quy định tại Điều 167 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (Điều 243 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) và được hướng dẫn thống nhất tại Mẫu số 107 Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2008/QĐ-VKSTC ngày 02/01/2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong phạm vi bài viết này, tác giả không đi sâu vào tất cả các nội dung trong Cáo trạng, mà chỉ đề cập về vấn đề “trích dẫn điều luật” trong Cáo trạng.
Thời gian qua, trên cơ sở tổng hợp, nghiên cứu rất nhiều Cáo trạng, thấy chưa có sự thống nhất về cách trích dẫn điều luật, điểm không thống nhất này, tựu chung lại thể hiện ở các cách trích dẫn sau:
(1) Trích dẫn tất cả các điểm thuộc khoản của điều luật Viện kiểm sát Quyết định truy tố. Ví dụ như trường hợp Viện kiểm sát Quyết định truy tố bị can ra trước Toà án để xét xử về “Tội cướp giật tài sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 136 Bộ luật hình sự, theo cách trích dẫn này sẽ là:
“1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
h) Gây hậu quả nghiêm trọng;”
(2) Trích dẫn tất cả các điểm đến điểm thuộc khoản của điều luật Viện kiểm sát Quyết định truy tố. Ví dụ như trường hợp Viện kiểm sát Quyết định truy tố bị can ra trước Toà án để xét xử về “Tội cướp giật tài sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 136 Bộ luật hình sự, theo cách trích dẫn này sẽ là:
“1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;”
(3) Chỉ trích dẫn điểm thuộc khoản của điều luật Viện kiểm sát Quyết định truy tố. Ví dụ như trường hợp Viện kiểm sát Quyết định truy tố bị can ra trước Toà án để xét xử về “Tội cướp giật tài sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 136 Bộ luật hình sự, theo cách trích dẫn này sẽ là:
“1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
…
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;”
Nguyên nhân của sự không thống nhất trên, theo ý kiến chủ quan của người viết có thể là do quy định của Điều 167 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (Điều 243 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) chung chung. Điều luật chỉ quy định “…Phần kết luận của bản Cáo trạng ghi rõ tội danh và điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng…”; và Mẫu số 107 Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2008/QĐ-VKSTC ngày 02/01/2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng chỉ mới lưu ý phải trích dẫn điều luật “...Khẳng định hành vi phạm tội trên đây đã phạm tội gì, theo quy định tại điều, khoản, điểm nào của Bộ luật hình sự (lưu ý trích dẫn điều luật)”. Còn vấn đề trích dẫn điều luật trong từng trường hợp cụ thể như thế nào chắc có lẽ phải do một đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra được phân công có văn bản hướng dẫn mới có sự thống nhất trong thực tiễn áp dụng.
Thật vậy, vào ngày 29/3/2017, Vụ 4 - Viện kiểm sát nhân dân tối cao có ban hành công văn số 1044/VKSTC-V4 về việc trao đổi và rút kinh nghiệm trong việc giải quyết án ma túy đối với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam, công văn này được Văn phòng tổng hợp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng sao y và gửi cấp huyện, trong đó, công văn có lưu ý và rút kinh nghiệm về việc trích dẫn điều luật trong Cáo trạng của tỉnh Quảng Nam như sau (trích một đoạn trong mục số 3 của công văn):
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 167 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì "Phần kết luận của bản Cáo trạng ghi rõ tội danh và điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng”. Khi xây dựng Cáo trạng được thực hiện theo Mẫu số 107 Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2008/QĐ-VKSTC ngày 02/01/2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, phần kết luận khẳng định hành vi phạm tội trên đây đã phạm tội gì, theo quy định tại điều, khoản, điểm nào của Bộ luật hình sự (lưu ý trích dẫn điều luật). Nhưng qua các bản Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quang Nam đều trích dẫn toàn bộ điều luật là không cần thiết mà chỉ cần trích các điểm, khoản của điều luật đã quyết định truy tố. Ví dụ như với vụ án Đinh Minh C, phạm tội mua bán trái phép chất ma túy. Phần kết luận cần khẳng định: Hành vi phạm tội nêu trên của Đinh Minh C đã phạm vào tội mua bán trái phép chất ma túy, thuộc trường hợp mua bán nhiều lần. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 194 Bộ luật hình sự. Nội dung điều luật quy đinh như sau:
"1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a)…
b) Phạm tội nhiều lần;"
Có thể nói, việc “trích dẫn điều luật” trong Cáo trạng theo các cách đều không làm ảnh hưởng đến Quyết định truy tố của Viện kiểm sát. Nhưng với phân tích, so sánh trên, thiết nghĩ phải thống nhất lại cách trích dẫn điều luật để đảm bảo tính nghiêm minh, tập trung và thống nhất trong Ngành. Theo đó, hoặc là cần có thêm một văn bản hướng dẫn chính thức về “trích dẫn điều luật” trong Cáo trạng do một đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra được phân công ban hành hoặc là phải thống nhất vận dụng công văn số 1044/VKSTC-V4 ngày 29/3/2017 của Vụ 4 - Viện kiểm sát nhân dân tối cao./.
Đặng Phước Thiện
Hình ảnh kiểm sát viên công bố Cáo trạng tại phiên tòa
Tin liên quan
TIN MỚI NHẤT
KIẾN NGHỊ, KHÁNG NGHỊ VÀ HDNV
- Kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa (28-10-2021)
- Hướng dẫn áp dụng pháp luật trong giải quyết tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (20-10-2021)
- V/v hướng dẫn áp dụng pháp luật trong giải quyết các vụ án về tội xâm phạm sở hữu (06-10-2021)
- Hướng dẫn yêu cầu điều tra về tình tiết khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng theo quy định tại điểm p khoản 1 Điều 51, điểm k, khoản 1, Điều 52 BLHS (24-09-2021)
- Giải đáp khó khăn vướng mắc trong công tác giải quyết vụ án hình sự trong thời gian thực hiện giản cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (24-09-2021)
THÔNG BÁO
- Thông báo tuyển dụng công chức năm 2024 (04-10-2024)
- Quyết định về việc công bố công khai quyết toán ngân sách năm 2023 của VKSND tỉnh Sóc Trăng (28-08-2024)
- Thông báo kết quả thi tuyển công chức nghiệp vụ Kiểm sát đợt 2 năm 2023 và hướng dẫn thủ tục phúc khảo (14-06-2024)
- Thông báo về việc triệu tập thí sinh đủ điều kiện thi vòng 2 kỳ thi tuyển công chức NVKS (đợt 2 năm 2023) (13-05-2024)
- Thông báo điểm thi vòng 1 kỳ thi tuyển công chức đợt 2 năm 203 của VKSND tỉnh Sóc Trăng (26-04-2024)