Để có trải nghiệm tốt hơn trên trên trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Sóc Trăng, bật JavaScript trong trình duyệt của bạn
Bật javasrcipt trình duyệt Chrome Bật javasrcipt trình duyệt IE
chi tiết tin
 

Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

          Tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em hiện nay diễn biến ngày càng phức tạp, có xu hướng gia tăng và độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ, gây ra những hậu quả nặng nề. Theo Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2017 cả nước có 805 vụ xâm hại tình dục trẻ em, với 832 nạn nhân, trong đó các tỉnh thành phía Nam chiếm tỷ lệ 30% tổng các số vụ[1]. Tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em trên địa bàn huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng 10 tháng đầu năm 2017 xảy ra 01 vụ 01 bị can, tương đương so với cùng kỳ 2016, tuy nhiên vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

          Ngày 06 tháng 10 năm 2017 vừa qua Tòa án nhân dân huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đã xét xử công khai vụ án Nguyễn Trung K. về Tội giao cấu với trẻ em theo Điều 115 Bộ luật hình sự. Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Trung K. (sinh năm 1999) và Võ Tuyết T. (sinh năm 2002) quen nhau được khoảng 02 tháng trên mạng xã hội thì nảy sinh tình cảm nam nữ. Vào ngày 27/4/2017 K rủ T đi chơi, sau đó thì cùng vào nhà nghỉ tại ấp Thạnh Đức, xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Tại đây, K đã thực hiện hành vi giao cấu với T. Vụ việc sau đó bị gia đình T phát hiện và trình báo Công an xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Hội đồng xét xử tuyên phạt K 01 năm tù về Tội giao cấu với trẻ em.

Kiểm sát viên Quách Thị Đào thực hành quyền công tố

và kiểm sát xét xử tại phiên tòa

          Để phòng, chống tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em năm 2016 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2017, gồm 07 chương và 58 điều quy định trách nhiệm của nhà nước, cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Trong đó, có quy định các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân nếu phát hiện hoặc có thông tin về hành vi xâm hại trẻ em hoặc trẻ em có nguy cơ bị xâm hại có trách nhiệm thông báo ngay cho Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoặc cơ quan lao động - thương binh và xã hội các cấp hoặc cơ quan công an các cấp hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc. Nơi tiếp nhận thông tin có trách nhiệm ghi chép đầy đủ thông tin về hành vi xâm hại trẻ em, trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại. Nghị định còn quy định trách nhiệm phối hợp xử lý thông tin, thông báo, tố giác về trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột hoặc bỏ rơi; Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc thực hiện việc đánh giá nguy cơ ban đầu về mức độ tổn hại của trẻ em. Trường hợp trẻ em được xác định có nguy cơ hoặc đang bị tổn hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm thì trong vòng 12 giờ từ khi nhận thông tin, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp can thiệp khẩn cấp hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi môi trường hoặc người gây tổn hại cho trẻ em theo quy định. Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại theo quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội cho trẻ em bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được bảo vệ khẩn cấp.

          Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; trách nhiệm nâng cao nhận thức về lợi ích, tác động tiêu cực của môi trường mạng đối với trẻ em và phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ em khi tham gia môi trường mạng; trẻ em có bổn phận tìm hiểu, học kiến thức, rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em,…

          Nhìn chung, để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ công tác quản lý, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, đề cao tinh thần cảnh giác trước những nguy cơ có thể dẫn đến trẻ em bị xâm hại tình dục, trong đó chú trọng phát huy có hiệu quả vai trò quản lý nhà nước, đề cao vai trò công tác giáo dục, bảo vệ của gia đình và nhà trường.

          Dạy cho trẻ em các quy tắc để tự bảo vệ như quy tắc bốn vòng tròn, quy tắc bàn tay,… Sau đây xin giới thiệu quy tắc PANTS Rules (tạm dịch: quy tắc đồ lót) do NSPCC - một tổ chức chuyên bảo vệ trẻ em tại Anh kêu gọi các phụ huynh nên dạy cho con của mình. Nội dung cụ thể của quy tắc như sau (nguồn: Hillcrest):

          1. P – Privates are private (Riêng tư là riêng tư)

          Hãy nói với bé rằng không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của bé, trừ một số người như bác sĩ, y tá hay bố mẹ. 

          Đây đều là vùng cấm kị - không một ai có thể được nhìn hay chạm vào - trừ bố mẹ, bác sĩ...

          Tuy nhiên, bác sĩ y tá cần phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh, phải giải thích được cho con là họ cần chạm vào để làm gì và cần có sự đồng ý của con.

          2. A – Always remember your body belongs to you (Luôn nhớ cơ thể con thuộc về con)

"Cơ thể con là thuộc về con"

          Hãy nói cho bé biết rằng cơ thể bé là thuộc về chính bé. Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói "Không".

          3. N – No means no (Không là không)

          Giúp trẻ nhận thức được rằng trẻ có quyền nói "không" với những động chạm bé không thích từ bất cứ ai, kể cả các thành viên trong gia đình.

          4. T – Talk (Nói về những điều bí mật khiến con buồn)

          Hãy thủ thỉ, tâm sự với bé để bé hiểu bí mật nào "tốt" và "xấu".

          Cha mẹ giải thích cho con về sự khác biệt giữa những bí mật "tốt" và "xấu". Những câu như "đây là bí mật của riêng hai chú cháu mình" thường của những kẻ lạm dụng khiến trẻ con cảm thấy lo lắng và sợ không dám kể cho ai khác nghe. 

          Những bí mật "tốt" có thể là món quà hay bữa tiệc. Những bí mật "xấu" là cái khiến con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi. Vì thế, con cần nói ra.

          5. S – Speak up (Lên tiếng)

          Nói với con khi nào bé cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé nên lên tiếng với người bé tin tưởng, có thể nói với bố mẹ, hay chị gái, cô giáo...

 

                                                  Lê Hồng Như

 


[1] https://www.baomoi.com/6-thang-dau-nam-ca-nuoc-co-hon-800-vu-xam-hai-tinh-duc/c/22869648.epi


Tin liên quan

» Một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp
» Phòng 9 VKSND tỉnh thực hiện tốt công tác kháng nghị, kiến nghị
» Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, sửa bản án sơ thẩm
» Kiến nghị thu hồi các quyết định thi hành án, quyết định giải tỏa tài sản của người phải thi hành án
» Hiệu quả từ phiên tòa rút kinh nghiệm đối với công tác tự đào tạo của Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề