THỐNG KÊ & CNTT
SỔ TAY KIỂM SÁT VIÊN
Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung – Chặn đường hình thành và phát triển
(Ngày đăng: 8/8/2018)
Cù Lao Dung là huyện thuộc tỉnh Sóc Trăng có địa lý giữa sông, ven biển[1]. Đây là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng, án ngữ hai cửa sông lớn Định An và Trần Đề. Bao đời nay, người dân Cù Lao Dung sống tập trung ven các kênh rạch, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, diện tích đất nông nghiệp chỉ có khoảng 13.018 ha, một phần trong số đó bị nhiễm phèn, mặn nên việc canh tác càng khó khăn. Mặt khác, do là huyện cù lao, bốn bề sông nước nên hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông rất cách trở, gây khó khăn cho việc đi lại, giao lưu buôn bán của bà con. Hiện nay, kết cấu hạ tầng ở Cù Lao Dung còn rất thiếu thốn. Công nghiệp, thương mại chưa phát triển.
Theo các tài liệu lịch sử, vùng đất Cù Lao Dung từng được nhắc đến với nhiều tên gọi khác nhau trong quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Sóc Trăng như là Huỳnh Dung Châu (theo di cảo của Trương Vĩnh Ký), Cù Lao Vuông (có nghĩa là dãy đất nổi giữa sông có hình thù vuông vứt), hay Cù lao Duông (là cách gọi của người Khmer muốn chỉ "Cù lao của người Việt"), dần dần đọc trại ra thành Cù Lao Dung. Trong thời kỳ đầu, vùng đất này còn rất hoang vu, chưa có dấu chân người, là địa bàn trú ngụ của loài cọp vùng đồng bằng sông nước hay còn được gọi với tên là Cù lao ông Cọp hoặc là Hổ Châu. Cù Lao Dung còn có tên gọi khác: Cù Lao Kăk-tunh (có sách viết Koh-tun). Khi tỉnh Sóc Trăng được thành lập năm 1900, vùng đất Cù Lao Dung thuộc quận Bàng Long. Ngày 01-03-1926, quận Bàng Long đổi thành quận Long Phú. Lúc này, Cù Lao Dung chỉ có 3 làng là An Thạnh Nhất, An Thạnh Nhì và An Thạnh Tam với 3 cửa biển là Định An, Trấn Di (nay là Trần Đề) và Ba Thắc. Qua hàng trăm năm bồi đắp, cửa biển Ba Thắc đã không còn dấu tích, chỉ còn lại con rạch Cồn Tròn, được cho là dấu tích của dòng sông Ba Thắc xưa. Trong thời kỳ "tẩu quốc", Nguyễn Ánh đã có một thời gian khá dài nương náu nơi đây. Con rạch nơi nhà vua trú ngụ được gọi là rạch “Long Ẩn” vẫn còn tồn tại cho đến tận hôm nay. Sau 30-04-1975, quận Long Phú trở thành huyện của tỉnh Hậu Giang. Ngày 26-11-1991, huyện Long Phú thuộc tỉnh Sóc Trăng. Ngày 11-01-2002, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 04/2002/NĐ-CP, về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Long Phú để thành lập huyện Cù Lao Dung; thành lập xã, thị trấn thuộc huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Cụ thể như sau: Huyện Cù Lao Dung có 8 đơn vị hành chính gồm các xã An Thạnh 1, An Thạnh 2, An Thạnh 3, Đại Ân 1, An Thạnh Tây, An Thạnh Đông, An Thạnh Nam và thị trấn Cù Lao Dung như ngày nay. Cù Lao Dung có diện tích tự nhiên là 24.944 ha với dân số 60.717 người. Phía Đông giáp tỉnh Trà Vinh; Tây giáp huyện Long Phú và Trần Đề; Nam giáp Biển Đông; Bắc giáp tỉnh Trà Vinh[2].
Đặc biệt, tại xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung có Đền thờ Bác Hồ được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay, đây là nơi tưởng niệm vị “cha già kính yêu” của dân tộc và là điểm tham quan du lịch của du khách khắp nơi. Là nơi để các thế hệ trẽ quyết tâm gìn giữ và phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương anh hùng ngày một giàu đẹp hơn, góp phần xây dựng đất nước ngày một phồn thịnh và phát triễn.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã An Thạnh Đông
Bia tưởng niệm Chiến thắng Rạch Già – thị trấn Cù Lao Dung
Quá trình hình thành và phát triển Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung
Từ năm 1977 đến năm 2002: Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày 23/4/1976, Bộ Tư pháp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ban hành Nghị định số 09/BTP-NĐ, thành lập 21 viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trực thuộc Trung ương ở các tỉnh, thành phố phía Nam[3]; Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kịp thời chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ cho VKSND các tỉnh phía Nam vừa mới được thành lập. Hàng trăm cán bộ từ Viện kiểm sát các tỉnh phía Bắc được điều động tăng cường vào miền Nam, là lực lượng nòng cốt xây dựng Viện kiểm sát cấp tỉnh, cấp huyện phía Nam[4].
Trước nhu cầu xây dựng hệ thống chính quyền các cấp để quản lý, ổn định tình hình kinh tế - chính trị - an ninh trật tự và chăm lo cho đời sống của nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ở các tỉnh miền Nam lần lượt ra đời dưới sự chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao. Năm 1977, Viện kiểm sát nhân dân huyện Long Phú (khi này vùng đất Cù Lao thuộc huyện Long Phú gồm có 04 xã là An Thạnh 1, An Thạnh 2 và xã An Thạnh 3 và Đại Ân 1) được thành lập và trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang (cũ).
Trong những năm đầu mới thành lập, tình hình kinh tế-xã hội có nhiều khó khăn, tình hình trật tự an toàn xã hội còn nhiều vấn đề phức tạp cần phải tập trung giải quyết. Trong bối cảnh đó, Viện kiểm sát nhân dân huyện Long Phú (tiền thân của Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung) đã từng bước ổn định và xây dựng bộ máy tổ chức, bắt kịp yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành, trong đó cùng với các ngành Công an, Tòa án đã ập trung đấu tranh tấn công tội phạm, nhiều vụ án nghiêm trọng được đưa ra xét xử kịp thời.
Năm 1992, sau khi tỉnh Sóc Trăng được tái lập (tách tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng), Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng ra đời thì Viện Kiểm sát nhân dân huyện Long Phú (tiền thân của Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung) trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng và chịu sự lãnh chỉ đạo thống nhất của Viện trưởng Viện KSND Tối cao.
Từ năm 2002 cho đến nay: Ngày 11 tháng 01 năm 2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2002/NĐ-CP, về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Long Phú để thành lập huyện Cù Lao Dung. Nhằm kịp thời ổn định tổ chức phục vụ tình hình chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, Viện kiểm sát tối cao ban hành Quyết định số 35/2002/QĐ-TCCB, ngày 28/02/2002 về việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung thuộc tỉnh Sóc Trăng. Với việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung và chính thức đi vào hoạt động ngày 30/4/2002. Đội ngủ cán bộ lãnh đạo, Kiểm sát viên được kiện toàn. Tuy nhiên, công tác điều động cán bộ về đây công tác cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do điều kiện kinh tế, xã hội tại Cù Lao Dung thời điểm này rất khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần rất thiếu thốn, đòi hỏi những cán bộ về đây phải thật sự yêu ngành, không ngại khổ, ngại khó thì mới có thể đảm nhận được trọng trách mới. Khi ấy có 03 đồng chí tình nguyện về nhận nhiệm vụ mới tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung, đó là (1) đồng chí Nguyễn Văn Sáu (đang là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Long Phú) về giữ chức vụ Viện trưởng, (2) đồng chí Nguyễn Hoàng Vân – Kiểm sát viên (công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng) về Viện kiểm sát huyện Cù Lao Dung phụ trách tất cả các khâu công tác của đơn vị, (3) đồng chí Dương Thị Ngọc Bích là cán bộ kiểm sát (công tác tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Long Phú). Ba đồng chí Sáu, Vân và Bích phải sống và làm việc trong điều kiện hầu như bắt đầu từ con số “0”, mọi thứ đều không có, chỉ có lòng nhiệt huyết và quyết tấm thực hiện bằng được nhiệm vụ mới. Khi ấy, ba đồng chí phải sống và làm việc trong căn nhà tiền chế cùng với các ban ngành thuộc Ủy ban nhân dân huyện do mới được thành lập. Ủy ban nhân dân huyện đã cấp cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung 01 máy vi tính để bàn, 01 máy in kim để phục vụ công tác. Đồi sống rất khó khăn và thiếu thốn, việc đi lại bị cách trở, chủ yếu di chuyển bằng phương tiện là võ lãi. Có khi Kiểm sát viên đi khám nghiệm phải mất cả ngày trời đi bằng võ lãi kết hợp với đi bộ mới đến được hiện trường. Năm 2003, đồng chí Tô Hoàng Ơn được điều động về Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung giữ chức vụ phó Viện trưởng.
Tuy nhiên, với sự quan tâm của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng, cùng với sự quan tâm của Cấp ủy địa phương, Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung đã từng bước kiện toàn đội ngủ cán bộ; xây dựng trụ sở làm việc kiên cố, khang trang; trang thiết bị đã được đầu tư đầy đủ; mỗi cán bộ, Kiểm sát viên, Lãnh đạo đơn vị đều được cấp máy tính (máy tính xách tay hoặc máy tính để bàn) để phục nhiệm nhiệm vụ chung của Ngành. Đội ngủ cán bộ từng bước được kiện toàn. Sau đó, các cán bộ trẽ, có năng lực và nhiệt huyết với ngành được bổ sung như ngày nay. Nhằm kiện toàn bộ máy của đơn vị, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký quyết định bổ nhiệm đồng chí Ngô Thành Hiếu giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung thay thế đồng chí Nguyễn Văn Sáu do đồng chí Sáu nhận nhiệm vụ mới tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng.
Tập thể Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung hiện nay
Tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ
Tổng biên chế được phân bổ hiện tại của Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung là 10 biên chế nghiệp vụ và 02 hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP. Trong đó:
- Theo vị trí việc làm: đơn vị có Viện trưởng, 01 đồng chí Phó Viện trưởng, 02 đồng chí Kiểm sát viên sơ cấp, 03 đồng chí kiểm tra viên, 02 đồng chí Chuyên viên, 01 đồng chí Kế toán viên và 02 nhân viên hợp đồng lao động.
- Về trình độ chuyên môn: có 02 đồng chí là Thạc sĩ chuyên ngành luật, 08 đồng chí Cử nhân luật và 01 đồng chí Cử nhân kế toán.
Thực hiện Quyết định số 03/QĐ-VKSTC-V15 ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung có 03 bộ phận, cụ thể như sau:
(1) Bộ phận Văn phòng tổng hợp, thống kê tội phạm và kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Bộ phận Văn phòng);
(2) Bộ phận Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự; kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và kiểm sát thi hành án hình sự (Bộ phận Hình sự);
(3) Bộ phận Kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; kiểm sát thi hành án dân sự, án hành chính (Bộ phân dân sự).
Đ/c Ngô Thành Hiếu – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung
Chức năng, nhiệm vụ
Viện kiểm sát nhân dân nói chung, Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung nói riêng là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Trong những năm qua, Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung luôn phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ của Ngành, phục vụ tích cực nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhiều đồng chí đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tỉnh Sóc Trăng và bằng khen của Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, tỉnh do có thành tích cao trong công tác.
Đ/c Nguyễn Hoàng Vân - Phó viện trưởng VKSND huyện Cù Lao Dung (bên phải) nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện do có thành tích cao trong việc phối hợp giải quyết nhanh vụ án hình sự
Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của Ngành, công tác cán bộ luôn được Lãnh đạo Viện tỉnh và Cấp ủy địa phương quan tâm. Khi mới thành lập Viện kiểm sát có ít biên chế, ít đảng viên nên tổ chức cơ sở đảng của Viện kiểm sát là chi bộ ghép 03 ngành Viện kiểm sát – Tòa án và Chi cục thi hành án dân sự. Hiện nay Viện kiểm sát và Tòa án vẫn là chi bộ ghép (Chi cục thi hành án đã tách thành Chi bộ độc lập) với tổng số 17 đảng viên chính thức. Trong đó, số đảng viện của Viện kiểm sát là 10 đảng viên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, về nhận thức chính trị luôn được Lãnh đạo Viện tỉnh và Cấp ủy quan tâm. Hiện tại, đơn vị Viện kiểm sát có số cán bộ có trình độ cao cấp lý luận chính trị là 02 đồng chí và có trình độ trung cấp lý luận chính trị là 02 đồng chí. Thời gian tới Chi bộ tiếp tục quy hoạch và cử cán bộ học tập để hình thành đội ngủ cán bộ kế thừa vừa có chuyên môn nghiệp vụ giỏi, vừa có nhận thức chính trị vững vàng để kế tục sự nghiệp cách mạng trên mọi mặt trận. Đơn vị quyết tâm giữ vững sự ổn định về tư tưởng, đoàn kết, không có sự chia rẽ nội bộ, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; tổ chức quán triệt kịp thời, nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, phối hợp với lãnh đạo đơn vị xây dựng Chương trình hành động thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Huyện ủy. Triển khai, thực hiện nghiêm túc cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã đạt được kết quả trong nhận thức và hành động. Liên tục nhiều năm Chi bộ luôn đạt "Chi bộ trong sạch vững mạnh".
Đối với Công đoàn Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung đã làm tốt chức năng giám sát, bảo vệ lợi ích của cán bộ, công chức, người lao động; hàng năm đều tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, người lao động cùng với chính quyền thực hiện đầy đủ mọi chế độ, chính sách của Nhà nước, quy định của Ngành đối với cán bộ, công chức, người lao động; nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về mối quan hệ đoàn kết nhất trí, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh.
Chi bộ khối pháp luật thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa
(thăm và tặng quà bà mẹ Việt Nam anh hùng)
Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung đã chú trọng đổi mới tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên. Thực hiện sâu rộng nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức hoạt động, không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác kiểm sát. Lãnh đạo đơn vị có những chiến lược đổi mới để xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên có lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với sự nghiệp của Đảng và Nhà nước, am hiểu chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, có tác phong nghề nghiệp chuẩn mực theo lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát phải "Công minh - Chính trực - Khách quan - Thận trọng - Khiêm tốn". Thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ, sự chỉ đạo trực tiếp và kịp thời của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng, của Cấp ủy địa phương, sự phối hợp của các cơ quan Tư pháp, của chính quyền địa phương các cấp đã góp phần đưa Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung vững bước trong tiến trình cải cách Tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã đề ra. Thời gian tới, tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức, người lao động Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung quyết tâm đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể, sáng tạo nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ công tác của Ngành và phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.
Thông tin liên hệ
Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung.
Địa chỉ trụ sở: ấp Phước Hòa B, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.
Điện thoại liên hệ: 0299.3860.349 – FAX: 0299.3860349
Trần Văn Trung
Viện KSND huyện Cù Lao Dung
[1] Theo Quyết định số 1900/QĐ-TTg ngày 4/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận 11 xã, thị trấn Cù Lao trên sông Hậu, thuộc tỉnh Sóc Trăng là xã đảo. Trong đó, toàn bộ 07 xã và 01 thị trấn Cù Lao Dung đều được công nhận là xã đảo.
[2] https://soctrang.gov.vn/wps/portal/huyenculaodung
[3] Bao gồm: VKSND thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Minh Hải, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Cửu Long, Tiền Giang, Long An, Sông Bé, Đồng Nai, Lâm Đồng, Thuận Hải, Bến Tre, Tây Ninh, Bình Trị Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Gia Lai - Kon Tum, Đắk Lắk
[4] Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân (sơ thảo), NXB Chính trị Quốc gia năm 2010, tr.293.
Tin liên quan
TIN MỚI NHẤT
KIẾN NGHỊ, KHÁNG NGHỊ VÀ HDNV
- Kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa (28-10-2021)
- Hướng dẫn áp dụng pháp luật trong giải quyết tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (20-10-2021)
- V/v hướng dẫn áp dụng pháp luật trong giải quyết các vụ án về tội xâm phạm sở hữu (06-10-2021)
- Hướng dẫn yêu cầu điều tra về tình tiết khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng theo quy định tại điểm p khoản 1 Điều 51, điểm k, khoản 1, Điều 52 BLHS (24-09-2021)
- Giải đáp khó khăn vướng mắc trong công tác giải quyết vụ án hình sự trong thời gian thực hiện giản cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (24-09-2021)
THÔNG BÁO
- Thông báo kết quả phúc khảo và công nhận kết quả trúng tuyển kỳ thi tuyển công chức nghiệp vụ kiểm sát ngành KSND năm 2024 (12-03-2025)
- Quyết định về việc giao dự toán tiền lương, quỹ tiền thưởng của biên chế năm 2025 (27-12-2024)
- Thông báo nội dung ôn tập kỳ thi tuyển công chức nghiệp vụ kiểm sát năm 2024 (18-11-2024)
- Thông báo về việc tuyển dụng công chức nghiệp vụ Kiểm sát ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024 (11-11-2024)
- Thông báo điều chỉnh, bổ sung kế hoạch tuyển dụng công chức nghiệp vụ kiểm sát năm 2024 (31-10-2024)