Để có trải nghiệm tốt hơn trên trên trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Sóc Trăng, bật JavaScript trong trình duyệt của bạn
Bật javasrcipt trình duyệt Chrome Bật javasrcipt trình duyệt IE
chi tiết tin

Phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp

 Vào lúc 07 giờ 30 phút, ngày 22 tháng 6 năm 2016, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng, với sự chủ trì của Thường trực thành ủy thành phố Sóc Trăng, Tòa án nhân dân thành phố Sóc Trăng và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Sóc Trăng phối hợp tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp. Thành phần tham dự phiên tòa có sự góp mặt của đồng chí Nguyễn Tuấn Thành- Phó bí thư thường trực thành ủy, Chủ tịch hội đồng nhân dân thành phố Sóc Trăng, đại diện Ban nội chính tỉnh ủy, cùng với các đồng chí Lãnh đạo Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Cơ quan điều tra Công an thành phố Sóc Trăng cùng với lãnh đạo của các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án của các huyện Kế Sách, Châu Thành, Long Phú, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú và thị xã Vĩnh Châu. Phiên Tòa đưa vụ án ra xét xử rút kinh nghiệm đối với các bị cáo: Nguyễn Quốc Luận, Trần Trung Hậu, Phan Văn Sĩ và Phạm Văn Lý, về Tội cố ý gây thương tích, theo qui định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự. Chủ Tọa phiên tòa là thẩm phán: Phan Lê Vũ Huy Hoàng, Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên Tòa Kiểm sát viên: Nguyễn Thành Quang và các luật sư bào chữa cho các bị cáo bao gồm các ông: Nguyễn Văn Quận, Trần Vĩnh Khang, Nguyễn Thanh Dân.

KSV. Nguyễn Thành Quang thông qua bản cáo trạng tại phiên Tòa

Cáo trạng truy tố số 46 ngày 13 tháng 05 năm 2016 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Sóc Trăng thể hiện nội dung như sau:

Nguyễn Quốc Luận (Luận), sinh ngày 16 tháng 3 năm 1999; Trần Trung Hậu (Hậu), sinh năm 1998; Phan Văn Sĩ (Sĩ), sinh ngày 06 tháng 8 năm 1997, và Phạm Văn Lý (Lý), sinh ngày 26 tháng 9 năm 1998 là bạn bè thường đi chơi chung với nhau.

Vào khoảng 19 giờ, ngày 18 tháng 11 năm 2015, Luận gọi điện thoại kêu Sĩ, Hậu và Lý đến nhà của Luận, tại số 140/1 đường Trương Công Định, Khóm 6, phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Khi Sĩ, Hậu và Lý đến nhà của Luận, thì lúc này Luận nói cho cả nhóm biết là Lý Đại Phúc (Phúc) đang tìm Luận để đâm, nên Luận rủ Sĩ, Hậu và Lý đi tìm Phúc gây thương tích trước, thì cả nhóm đều đồng ý. Luận hỏi: “có ai có dao không?”, thì Lý trả lời:“ tao có 01 cây dao để ở nhà”, thì Luận đi vào nhà lấy ra 01 cây dao dài khoảng 26cm, cán làm bằng nhựa màu xanh, có quấn băng keo màu đen, lưỡi dao kim loại màu trắng, sắc một bề và nhọn, cất giấu vào lưng quần và cả nhóm đi đến nhà của Lý để lấy dao. Khi đi Lý lấy xe mô tô biển số 83H8-9405 của Hậu điều khiển chở Hậu, Sĩ điều khiển xe mô tô (không rõ biển số) chở Luận. Cả nhóm của Luận đi đến hẻm 366 đường Nguyễn Văn Linh, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, thì Lý xuống xe đi bộ bọc về nhà tại số 71/9 đường Dương Kỳ Hiệp, phường 2, thành phố Sóc Trăng, lấy và mang ra 01 cây dao mã tấu, dài khoảng 63cm, cán làm bằng cây, lưỡi bằng kim loại, có một bề sắc, để lên yên xe. Sau khi chuẩn bị dao, Sĩ điều khiển xe chở Luận, Lý điều khiển

Các bị cáo tại phiên Tòa xét xử

xe chở Hậu đi đến hẻm 174, đường 30 tháng 4, phường 3, thành phố Sóc Trăng tìm Phúc để gây thương tích. Khi đến đầu hẻm 174, thì Luận hỏi một người thanh niên  (không rõ họ tên và địa chỉ) và biết được Phúc đang chơi tại tiệm Game bắn cá, tại nhà số 174/14 đường 30 tháng 4. Lúc này, Sĩ chở Luận đi trước, còn Lý chở Hậu đi sau và dừng xe cách tiệm Game bắn cá khoảng 08 mét, Luận và Hậu xuống xe lấy dao đã mang theo cầm trên tay, chạy vào tiệm Game bắn cá tìm Phúc. Khi vào trong tiệm Game, Luận phát hiện Phúc đang ngồi trên ghế nhựa màu xanh, cặp máy Game bắn cá, Luận chạy tới dùng tay phải cầm dao đâm vào lưng của Phúc 02 dao gây thương tích, Phúc đứng lên cầm ghế nhựa chống trả lại, thì bị Luận đâm thêm 02 dao trúng vào ngực và hông gây thương tích. Khi bị Phúc lấy ghế chống trả, thì Luận chạy ngược ra trước cửa tiệm Game, thì Hậu cầm dao mã tấu trên tay chạy vào chém Phúc, Hậu cầm dao tay phải chém Phúc theo hướng từ trên xéo xuống, Phúc cầm ghế nhựa đưa lên đở, nên bị trúng 01 dao vào bàn tay phải gây thương tích, Hậu tiếp tục chém thêm 01 dao nữa trúng vào khuỷu tay trái của Phúc và chém tiếp 01 dao nữa vào người của Phúc, Phúc dùng tay trái nắm lấy cây dao của Hậu đang cầm, thì bị Hậu nắm dao giật mạnh lại, làm Phúc bị thương tích ở lòng bàn tay trái. Sau khi giật lại được dao, thì Hậu và Luận cầm dao chạy ra xe, chỗ Lý và Sĩ đang đợi chở chạy về nhà của Luận và đem dao cất giấu, rồi Sĩ, Hậu, Lý bỏ đi về nhà. Còn Phúc sau khi bị Luận và Hậu gây thương tích, thì được mọi người đưa vào Bệnh viện đa khoa Sóc Trăng, sau đó Phúc được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu và điều trị, đến ngày 23/11/2015 thì xuất viện.

Các luật sư bào chữa tại phiên Tòa

Đến ngày 19 tháng 11 năm 2015, Nguyễn Quốc Luận, Trần Trung Hậu, Phạm Văn Lý đến Cơ quan điều tra, Công an thành phố Sóc Trăng đầu thú và Cơ quan điều tra tiến hành triệu tập Phan Văn Sĩ đến làm việc. Tại Cơ quan điều tra, Luận, Hậu, Lý và Sĩ đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như đã nêu trên.

Thư ký Tòa án trình vật chứng của vụ án cho HĐXX xem

Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 214/TgT-PY, ngày 11 tháng 12 năm 2015, của Trung tâm pháp y tỉnh Sóc Trăng, kết luận: Lý Đại Phúc, bị chém và đâm bằng dao vào nhiều nơi trên cơ thể gây thương tích, khám thấy:

- Sẹo phần mềm ngang mặt trong 1/3 giữ cẳng tay phải, kích thước 03 x 0,2 cm;

- Sẹo hình chữ “J” bờ ngoài từ ngang mu bàn tay phải xuôi vào bờ trong mô út, kích thước 16 x 0,3 cm, liệt thần kinh trụ đoạn cổ tay, chức năng ngón bàn III, IV, V bàn tay phải bị hạn chế, gãy xương bàn 4, 5 tay phải đã được phẩu thuật xương;

- Sẹo chếch xuôi mặt trong khuỷu tay trái, kích thước 07 x 0,3 cm, chức năng khuỷu tay trái không bị hạn chế;

- Sẹo ngang mặt lòng mô cái bàn tay trái, kích thước 05 x 0,3 cm, chức năng ngón cái bàn tay trái không hạn chế;

- Sẹo phần mềm vùng lưng- ngực trái, kích thước 01 x 0,2 cm;

- 02 sẹo phần mềm vùng lưng phải, kích thước 1,6 x 0,2 cm và 0,8 x 0,1 cm;

- Sẹo phần mềm hông- lưng trái, kích thước 06 x 0,4 cm;

- Sẹo phần mềm cẳng chân phải do sây sát da, kích thước 3,5 x 03 cm.

Tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 41%; tổn thương do vật sắc- nhọn gây nên; tổn thương gây ảnh hưởng chức năng ngón- bàn IV-V bàn tay phải.

Hội đồng xét xử

Tại phiên tòa, xét thấy tính chất mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, gây mất an ninh trật tự tại địa phương, sau khi cân nhắc xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX đã tuyên phạt: Bị cáo Nguyễn Quốc Luận 05 năm 06 tháng tù giam, bị cáo Trần Trung Hậu 05 năm 03 tháng tù giam, bị cáo Phan Văn Sĩ 05 năm tù giam và bị cáo Phạm Văn Lý 04 năm tù giam.

Sau khi kết thúc phiên Tòa xét xử, lúc 13 giờ 30 phút cùng ngày, tại phòng họp của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng, Ban Chỉ đạo đã tổ chức họp để rút kinh nghiệm, hầu hết ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự đều đánh giá cao về cách chọn vụ án để làm phiên Tòa xét xử rút kinh nghiệm, các thủ tục tố tụng tại phiên tòa, đặc biệt là thủ tục xét hỏi và tranh luận công khai tại phiên tòa đều đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật; Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên và Luật sư đã phát huy tốt vai trò trong quá trình tranh luận. Tuy nhiên, ngoài các mặt đã làm được, thì các đại biểu cũng đã có những đóng góp về những hạn chế mà chủ yếu là phần bào chữa của các luật sư, các vấn đề bào chữa mà các luật đưa ra chưa được sâu sát vào trọng tâm nội dung của vụ án, từ đó dẫn đến chất lượng tranh luận đối đáp tại phiên tòa chưa đáp ứng được với yêu cầu cải cách tư pháp. Phát biểu chỉ đạo và kết luận cuộc họp rút kinh nghiệm, đồng chí Nguyễn Tuấn Thành, Phó bí thư thường trực thành ủy, Chủ tịch hội đồng nhân dân thành phố Sóc Trăng biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan tư pháp trên địa bàn thành phố Sóc Trăng đã triển khai, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Phiên họp đóng góp ý kiến rút kinh nghiệm

Ngoài ra, đồng chí còn nêu lên tầm quan trọng của việc tổ chức các Phiên Tòa xét xử rút kinh nghiệm theo tình thần cải cách tư pháp của Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tại địa phương nhằm nâng cao chất lượng xét xử của đội ngũ Thẩm phán và chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên; tạo điều kiện cho đội ngũ công chức các cơ quan tư pháp hai cấp, đội ngũ Luật sư được học tập, rút kinh nghiệm và nâng cao chất lượng tham gia tranh tụng tại phiên tòa. Đồng chí đề nghị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục lãnh chỉ đạo, phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế, thiếu sót qua phiên tòa này, đồng thời tiếp tục phối hợp trong việc lựa chọn các vụ án để làm tham mưu tổ chức các phiên tòa đảm bảo chất lượng, tiến độ theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo đã đề ra.

                                                                                      Trần Thanh Duẩn

                                                                                  VKSND TP Sóc Trăng


Tin liên quan

» 33 năm 06 tháng tù về tội Tàng trữ, Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
» VKSND huyện Châu Thành tổ chức Tọa đàm chuyên đề nghiệp vụ Tội đánh bạc bằng hình thức đá gà qua mạng Internet
» VKSND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ Công bố và trao Quyết định bổ nhiệm Kiểm sát viên Sơ cấp đợt 1
» Viện KSND thành phố Sóc Trăng tham gia kiểm sát việc tiêu hủy 22.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu cùng với nhiều vật chứng khác
» Cảnh giác đề phòng việc mất trộm tài sản tại các trụ sở cơ quan nhà nước