Để có trải nghiệm tốt hơn trên trên trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Sóc Trăng, bật JavaScript trong trình duyệt của bạn
Bật javasrcipt trình duyệt Chrome Bật javasrcipt trình duyệt IE
chi tiết tin

NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH PHẢN BÁC

NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, SAI TRÁI TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

ĐỂ BẢO VỆ TỐT NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

2. Nhận diện những phương thức, thủ đoạn xuyên tạc, sai trái đối với nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng

          Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, trên không gian mạng ảo, các thế lực thù địch không đơn thuần sử dụng các phương pháp truyền thống mà các hình thức chống phá của chúng ngày càng tinh vi, xảo quyệt đòi hỏi chúng ta phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt để nhận diện rõ. Một trong những thủ đoạn mà các thế lực thù địch, phản động, chống đối đang thực hiện mạnh mẽ thời gian gần đây đó là luôn tận dụng những lợi thế về phạm vi, đối tượng sử dụng không gian mạng để liên kết, móc nối, phát triển lực lượng trong nước, đào tạo, huấn luyện, hình thành và công khai hóa hội, nhóm xã hội dân sự có hoạt động chống đối trên không gian mạng.

          Việt Nam hiện có hàng trăm loại mạng xã hội khác nhau, hầu hết các mạng xã hội lớn tại Việt Nam đều là các mạng xã hội của các công ty nước ngoài, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào nước ta. Facebook vẫn là mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam, tiếp đến là Zalo, Youtube, Facebook Messenger, TikTok, Instagram,... Bên cạnh đó còn có các ứng dụng nhắn tin có độ bảo mật cao (Telegram, Mocha, Viber, Skype, Whatsapp). Lợi dụng internet và các tính năng của mạng xã hội, các thế lực thù địch đã lập hàng nghìn trang web, blog, hàng trăm loại báo chí, nhà xuất bản và các đài phát thanh truyền hình có chương trình tiếng Việt, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, làm việc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước… để xuyên tạc, nói xấu chế độ.

          Theo thống kê, đã có hàng nghìn hội nhóm phản động mới xuất hiện trên mạng xã hội, đáng chú ý là: “Việt Tân”, “Dân Luận”, “Hóng biến”, “Việt Nam Cộng hòa”, các trang phản động, như: “Báo Tiếng dân”, “Việt Nam thời báo”, “Người Việt Online”, “Nhật ký yêu nước”, “Dân làm báo”, “Hội anh em dân chủ”, “Nhà xuất bản tự do”, “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”, “Diễn đàn xã hội dân sự”, các kênh Youtube như: “Thông tấn Việt”, “Tiếng dân TV”, “Góc nhìn HDH”…

          Trung bình 1 tháng, các thế lực thù địch phát tán hàng ngàn bài viết, video xuyên tạc lên internet, mạng xã hội. Trong đó, chiếm phần lớn là các bài viết được đăng tải trên mạng xã hội facebook và các video xuyên tạc được đăng trên các kênh mạng xã hội Youtube, Blog cá nhân hoặc các kênh tin tức phản động. Nổi bật là các trang phản động, như: “Nhật ký yêu nước”, “Dân làm báo”... mỗi ngày đăng tải hàng chục bài viết xuyên tạc, có những bài viết, video thu hút hơn 500.000 lượt bày tỏ cảm xúc, hơn 5.000 lượt chia sẻ và hơn 7.000 lượt bình luận. Ngoài ra, các tổ chức phản động còn triệt để khai thác tính năng phát trực tuyến (livestream) của Youtube và Facebook làm công cụ phát tán thông tin xấu độc. Chúng sử dụng các đối tượng phản động tại chỗ, hoặc cử người đến địa bàn có vụ việc “nóng” xảy ra, để đăng tải video trực tiếp lên mạng xã hội với nội dung xuyên tạc thông tin, gây hoang mang trong dư luận. Các tổ chức phản động còn tổ chức theo dạng Group Facebook, lợi dụng các tính năng cộng đồng, tính bảo mật để xây dựng lên các diễn đàn trao đổi, phát tán thông tin phản động hay tạo các nhóm bí mật để liên lạc, lên kế hoạch biểu tình, chống phá chế độ.

          Hầu hết các tổ chức phản động đều lợi dụng tính năng tạo trang cộng đồng (fanpage) của mạng xã hội Facebook, từ đó tổ chức thành kênh truyền tải thông tin xấu độc, giao cho nhiều đối tượng quản lý, thường xuyên đăng bài, cập nhật thông tin từ các tỉnh, thành trên cả nước. Thậm chí chúng lập ra nhiều trang web, tài khoản cá nhân mạo danh các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, một số nhân vật được xã hội chú ý hoặc nhân danh “đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”, “bảo vệ môi trường”, “bảo vệ chủ quyền biển, đảo”, “phản biện xã hội”, “hiến kế cho Đảng”… để bình luận, xuyên tạc, hạ thấp uy tín, làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước.

          Trong các thông tin xấu độc trên không gian mạng, những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch tấn công trực diện vào những vấn đề lý luận cốt lõi thuộc nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Hiện nay, sự chống phá này không chỉ ở diện rộng bằng những bài viết dung tục, thù hận, cực đoan một chiều như trước đây, các thế lực thù địch đầu tư xây dựng và sử dụng ngày càng nhiều bài viết đa tầng thông tin, đa quan điểm, với nhiều chiêu trò đánh tráo khái niệm, ngụy tuyên truyền hết sức tinh vi, khiến công tác đấu tranh của ta càng thêm khó khăn, phức tạp.

          Nội dung thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch hết sức đa dạng, phức tạp, trên tất cả các lĩnh vực: tư tưởng, chính trị, xây dựng Đảng, kinh tế, văn hóa, xã hội…, trong đó tập trung tấn công vào một số nội dung cốt lõi thuộc hệ tư tưởng, đường lối của Đảng ta, gồm những vấn đề cụ thể như:

          - Các thế lực thù địch đòi Đảng ta từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Chúng bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tập trung tấn công vào những vấn đề nguyên tắc then chốt, luận điểm cơ bản nhất, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và bản chất giai cấp công nhân của Đảng ta. Phủ nhận lý luận về chủ nghĩa xã hội và xuyên tạc mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

          - Chúng công kích, xuyên tạc nhằm hạ bệ tư tưởng Hồ Chí Minh bằng phủ nhận nội dung, giá trị tư tưởng của Người. Bôi nhọ lãnh tụ, xuyên tạc lý lịch, thân thế sự nghiệp các lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước để đi đến phủ nhận con người, phủ nhận hệ tư tưởng Mác xít và vai trò lãnh đạo của Đảng. Thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân để thông qua đối tượng này trực tiếp phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào mục tiêu, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi xóa bỏ sở hữu toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân đồng nhất với tư nhân hóa nền kinh tế, xóa bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. 

          - Chống phá, xuyên tạc, phủ nhận quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hiện nay, nhất là đường lối đổi mới của Đảng ta. Chúng đồng nhất đổi mới chính trị với thay đổi chế độ chính trị, phủ nhận, bôi đen những thành tựu. Lợi dụng, cường điệu hóa những hạn chế, khuyết điểm của Đảng và hệ thống chính trị trong lãnh đạo, quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội để quy kết cho rằng việc Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng chính là nguyên nhân gốc rễ của những hạn chế, khiếm khuyết đó.

          - Lợi dụng các sự kiện chính trị - xã hội “nhạy cảm”, việc bắt, xử lý số cán bộ cao cấp về tội tham nhũng, xét xử số đối tượng chống đối vi phạm pháp luật, để lôi kéo, kích động người dân tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự, biểu tình, bạo loạn, lật đổ, tuyên truyền kích động các hoạt động ly khai, tự trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.       

          - Tiếp tục lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, những sự kiện nhạy cảm, phức tạp, lan truyền các thông tin xấu độc, hướng dư luận xã hội tập trung vào những quan điểm không chính xác, lệch lạc, từ đó ảnh hưởng đến nhận thức của một bộ phận nhân dân còn thiếu hiểu biết, làm lung lạc lòng tin của họ về vai trò lãnh đạo của Đảng, về sự quản lý đất nước của chính quyền.        

          Các thế lực thù địch phát tán dầy đặc và với tần suất lớn những thông tin xấu, độc trên không gian mạng, thực hiện thủ đoạn “mưa dầm thấm lâu”, chúng đan cài, trộn lẫn thông tin thật - giả để dẫn dụ độc giả bị lệch hướng theo luồng thông tin sai lệch. Chúng thường chọn thời điểm có những sự kiện chính trị lớn của Đảng, của đất nước, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, những “điểm nóng” về an ninh, trật tự xã hội trong nước, những biến động lớn của thế giới. Trong thời gian gần đây cho thấy xu hướng các thế lực thù địch, phản động thường xuyên tập trung vào các vấn đề dư luận xã hội nổi cộm để tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc sai trái, từ những vấn đề lớn ở quốc tế và trong nước như: chiến sự giữa Nga và Ukraina, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay, công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân và phòng chống dịch bệnh Covid-19, công tác cứu trợ đồng bào miền Trung bị thiên tai, lũ lụt, dịp kỷ niệm các ngày lễ quan trọng của đất nước, việc triển khai thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia về phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, việc ban hành các Bộ luật, luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan… cho đến những vụ việc nổi cộm, dư luận quan tâm như: Vụ án Hồ Duy Hải, Vụ đánh bạc “nghìn tỷ” của Phan Sào Nam, vụ bà Nguyễn Phương Hằng, vụ Tịnh thất Bồng lai, vụ Đồng Tâm… cho đến ngay cả việc luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ từ cấp trung ương, đến địa phương, đều bị các thế lực thù địch khai thác để xuyên tạc.

          Để đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu, thông tin xuyên tạc trên không gian mạng, trước tiên chúng ta cần có kỹ năng chọn lọc thông tin để nhận diện các thông tin xấu, độc. Mà để thực hiện được kỹ năng đó thì chúng ta cần tỉnh táo nhận diện được thông tin xấu, độc ở các yếu tố như sau:

          - Về mục đích: Chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, thái độ, lối sống của người tiếp xúc với thông tin, gây hoang mang, dao động, hoài nghi vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

          - Về nội dung: Thông tin xấu, độc thường lẫn lộn giữa thật và giả, thường là trà trộn một phần thông tin đúng với thông tin sai lầm, bịa đặt, xuyên tạc… nhiều người vì tò mò nên tiếp cận thông tin đó mà không suy nghĩ xem nên tiếp nhận như thế nào cho đúng.

          Đồng thời, để xác định chắc chắn đó là thông tin chính thống, nên tiếp nhận hay không thì cần nắm rõ chủ thể đăng tải. Nếu chủ thể đăng tải thông tin là các nick ảo, nick không chính danh và nội dung trang có thái độ nhìn nhận không phù hợp với quan điểm chính thống thì cần loại bỏ. Sau khi nhận diện được thì chúng ta nên tránh các thông tin xấu, độc theo hướng đã được nhận diện, đồng thời chọn lọc những thông tin có lợi, những thông tin phù hợp, đúng đắn để tiếp cận. (còn tiếp)...


Tin liên quan

» Bảo vệ, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
» (Phần 1) Nhận diện và đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái trên không gian mạng để bảo vệ tốt nền tảng tư tưởng của Đảng
» (Phần cuối) Nhận diện và đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái trên không gian mạng để bảo vệ tốt nền tảng tư tưởng của Đảng
» Kế hoạch Tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VIII – năm 2023
» Thể lệ (sửa đổi, bổ sung) Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng)