Để có trải nghiệm tốt hơn trên trên trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Sóc Trăng, bật JavaScript trong trình duyệt của bạn
Bật javasrcipt trình duyệt Chrome Bật javasrcipt trình duyệt IE
chi tiết tin

TÓM TẮT BÀI VIẾT

          Cùng với sự bùng nổ của mạng Internet và thời đại công nghệ 4.0, Mạng xã hội từ khi xuất hiện đã trở thành nguồn khai thác hữu ích lượng thông tin khổng lồ trên toàn thế giới.. Nhưng cũng chính sự tiện lợi đó, lại ẩn chứa những nguy cơ khôn lường khi mà mạng xã hội đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với mục đích nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và niềm tin của nhân dân đối với Đảng và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Do đó yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới cần nhận diện rõ và có các giải pháp mạnh mẽ, thiết thực nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sức mạnh của toàn dân để đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong không gian mạng.

 

NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH PHẢN BÁC

NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, SAI TRÁI TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

ĐỂ BẢO VỆ TỐT NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

          1. Sự bùng nổ của kỷ nguyên mạng xã hội và tầm quan trọng của việc đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái trên không gian mạng đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng:

          Chưa bao giờ mà việc truyền tải, truy cập thông tin trên mạng Internet đối với người dân lại trở nên phổ biến và dễ dàng như hiện nay, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) giá rẻ (chỉ từ hơn 01 triệu đồng) có kết nối mạng internet, bất cứ ai cũng có thể truy cập mạng Internet để tìm kiếm bất cứ thông tin nào hoặc tham gia mạng xã hội để đăng một dòng trạng thái hay tương tác với các tài khoản khác thông qua việc bình luận (comment), like, chia sẻ, livestream hoặc inbox thông qua các nền tảng mạng xã hội phổ biến hiện nay với hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới như Facebook, Zalo, Twitter, Instagram… Hoặc có thể đăng những video cá nhân lên một cách dễ dàng thông qua các nền tảng chia sẻ video miễn phí như Youtube, Tiktok... Không chỉ những người trẻ tuổi, có trình độ công nghệ thông tin mới sử dụng mạng xã hội mà mà ngay cả người lớn tuổi, thậm chí trẻ em cũng vào mạng xã hội để tìm kiếm thông tin, kết nối bạn bè và giải trí. Mạng xã hội từ khi xuất hiện đã trở thành nguồn khai thác hữu ích lượng thông tin khổng lồ trên toàn thế giới, giúp cập nhật thông tin, sự kiện diễn ra xung quanh một cách nhanh chóng mà không bị giới hạn bởi không gian, thời gian.

          Có thể nói, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên bùng nổ của khoa học và công nghệ với xu hướng là tăng cường kết nối con người với nhau trên môi trường không gian mạng, trong đó thông tin đóng vai trò là trung tâm và có tác động vô cùng to lớn đến mọi mặt đời sống văn hóa xã hội. Và đối với Việt Nam ta, thì sự ảnh hưởng đó là không hề nhỏ, bởi tỷ lệ người dân Việt Nam hiện đang tiếp cận với mạng xã hội là rất lớn, cũng như thời gian trung bình trong ngày mà một người tham gia mạng xã hội và truy cập các dịch vụ Internet đang ngày càng tăng lên (theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022 của Bộ Công thương cho thấy người Việt hiện nay dành 6 giờ 38 phút mỗi ngày để truy cập Internet, trong đó 94% là để tham gia mạng xã hội và chỉ tính riêng mạng xã hội Facebook ở Việt Nam đã có đến gần 70 triệu tài khoản được đăng ký, tương đương với hơn 78% dân số).

          Nhưng cũng chính sự tiện lợi đó, lại ẩn chứa những nguy cơ khôn lường khi mà những thông tin độc hại, sai trái mà người truy cập nếu như không có kiến thức và không đủ tỉnh táo thì không thể phân biệt đâu là đúng và đâu là sai và dễ bị dẫn dắt, lôi kéo bởi những thông tin không đúng sự thật, những thông tin mang tính xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, thậm chí là những thông tin xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trường hợp nghiêm trọng còn có thể dẫn đến những lầm lạc trong tư tưởng và từ đó dẫn đến những hành động, lời nói lệch chuẩn, vi phạm đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật. Trên thực tế đã có những tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các chiêu trò xuyên tạc, thổi phồng sự việc, bóp méo bản chất vấn đề, gây chia rẽ, hoài nghi trong dư luận, từ đó định hướng dư luận, truyền bá lối sống ích kỷ, bạo lực, lừa đảo trên mạng, khiến một bộ phận thanh niên lệch chuẩn trong lối sống. Không dừng lại ở đó, khi dẫn dắt bởi các thông tin độc hại trên mạng xã hội, tin theo những luận điệu xuyên tạc thì những người tham gia còn có thể bị mua chuộc, trở thành công cụ phục vụ cho mưu đồ của các thế lực phản động đang sử dụng các trang mạng xã hội nhằm tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, bôi nhọ chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta, từ đó kích động dư luận, hình thành tư tưởng chống đối, làm xuất hiện các điểm nóng chính trị - xã hội với mưu đồ hòng làm cho Đảng ta suy yếu về tư tưởng và tổ chức, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

          Có thể nói mạng xã hội đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc. Thực tế cho thấy, không gian mạng hiện đang là một vùng lãnh thổ mới, là chiến trường mới, bên cạnh vùng đất, vùng trời, vùng biển và không gian vũ trụ. Theo đó, chủ quyền không gian mạng cần được nhìn nhận dưới góc độ chủ quyền và an ninh quốc gia và đây thực sự là một mặt trận quan trọng không thể buông lỏng và nhận biết để vạch trần thủ đoạn này của chúng trên không gian mạng chính là trực tiếp góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới hiện nay. Do tầm quan trọng đặc biệt của công tác nên Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng, tập trung chỉ đạo và triển khai công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, công tác đấu tranh được triển khai ngày càng toàn diện, quyết liệt, đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến rõ rệt. Trên cơ sở đó, Nhà nước đã thể chế hóa thành pháp luật, như Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018 và Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 25/7/2018 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”, Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25/7/2018 về “Chiến lược An ninh mạng quốc gia”... Các văn kiện này đều thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, xác định bảo vệ an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị.

          Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, thực tiễn công tác đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế và còn chưa thực sự hiệu quả và mạnh mẽ, xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, quyết liệt. Đặc biệt là sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực và đặt ra nhiều vấn đề về mọi mặt của đời sống xã hội. Về nguyên nhân chủ quan, hạn chế về nguồn lực con người, nguồn lực kinh tế và khoa học công nghê và những thách thức nhức nhối của tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đã tạo cớ để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vu cáo, xuyên tạc.

          Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên khi truy cập vào các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Youtube…vẫn còn có biểu hiện vô cảm, thờ ơ, đứng ngoài cuộc, chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm, chính kiến khi tham gia mạng xã hội, thiếu ý thức, hành động phản bác những luận điệu xuyên tạc, đi ngược đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Số lượng người dân, cán bộ, đảng viên tham gia hoạt động đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng còn ít so với số lượng người khai thác sử dụng không gian mạng. Những hạn chế này đã, đang và sẽ tiếp tục bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

          Từ thực trạng nêu trên, việc nâng cao chất lượng đấu tranh phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng trong giai đoạn hiện nay là một yêu cầu cấp thiết. Cùng với những thách thức của sự phát triển xã hội thông tin, yêu cầu cấp bách của việc bảo vệ nền tảng lý luận, tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các thế lực thù địch là đòi hỏi cần phải nghiên cứu lý luận và thực tiễn, tìm kiếm giải pháp tối ưu để xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc ở nước ta hiện nay. Chính vì vậy đẩy mạnh công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cấp ủy, tổ chức đảng, cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên. (còn tiếp)...


Tin liên quan

» Bảo vệ, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
» (Phần 2) Nhận diện và đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái trên không gian mạng để bảo vệ tốt nền tảng tư tưởng của Đảng
» (Phần cuối) Nhận diện và đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái trên không gian mạng để bảo vệ tốt nền tảng tư tưởng của Đảng
» Kế hoạch Tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VIII – năm 2023
» Thể lệ (sửa đổi, bổ sung) Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng)