Để có trải nghiệm tốt hơn trên trên trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Sóc Trăng, bật JavaScript trong trình duyệt của bạn
Bật javasrcipt trình duyệt Chrome Bật javasrcipt trình duyệt IE
chi tiết tin

Không thể khởi tố hình sự đối với Lê Văn T

               Nhân đọc bài “Lê Văn T có thể bị khởi tố không ? Khởi tố về tội gì ?” của tác giả Lưu Đức Anh, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh đăng trên Tạp chí Kiểm sát số 10/2017, với nội dung:

            Khoảng 21 giờ ngày 11/3/2015, Nguyễn Văn N, sinh năm 1987, trú tại tổ 5, khu 12, phường V.H, thành phố HL gặp Lê Văn T, sinh năm 1978, và Bùi Đức D, sinh năm 1966, trú khu 6, phường H.K, thành phố HL. T rủ N đi uống Cà phê. Trong lúc uống Cà phê, T hỏi mượn điện thoại di động của N để nhắn tin và vào Facebook. N nói với T về việc vừa xích mích với bạn gái của N là H. Do H chơi và ở với bạn của T là Ngh nên T bảo lát nữa sẽ đi cùng N đến chỗ Ngh để gặp H nói chuyện. Một lúc sau, T, D và N đến chỗ Ngh ở, lúc này T vẫn cầm điện thoại của N chưa trả lại. Tại đây, N đi vào trong nói chuyện với H, còn T và D đứng ở ngoài. Khoảng 05 phút sau, T đưa 10.000 đồng và điện thoại của N cho D bảo D đi mua thẻ điện thoại để nạp vào điện thoại. D vừa đi thì T cũng đi bộ về nhà bảo bạn là L chở đi ra thành phố HL. Trên đường đi gặp D thì T bảo D đưa điện thoại của N cho T. T cầm điện thoại cùng với L đi định bán nhưng không bán được nên cầm cố tại Cửa hàng điện thoại di động của chị M lấy số tiền 2.000.000 đồng. T cho L 100.000 đồng, số tiền còn lại T tiêu xài (chơi bắn cá) hết. Khi phát hiện không thấy T thì N gọi vào máy nhưng không được nên trình báo Công an.

            Sau khi nhận được tin báo của N, Công an tổ chức xác minh. Đến 23 giờ 45 phút cùng ngày đã thu giữ tại Cửa hàng điện thoại của chị M chiếc điện thoại  của N. Chiếc điện thoại này được định giá là 8.394.000 đồng.

            Khoảng 09 giờ ngày 12/3/2015, T cùng Ngh và H đến chuộc máy, nhưng không được do đã bị Công an thu giữ. Sau đó không xác định được tung tích của T (đã xác minh việc vắng tại địa phương) nên chưa thu thập được lời khai của T.

Vấn đề đặt ra: Có thể khởi tố vụ án hình sự được hay không ? Nếu khởi tố được thì khởi tố về tội gì ? Hiện nổi lên có hai luồng ý kiến trái ngược nhau:

Ý kiến thứ nhất cho rằng: Hành vi của T đã cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 140 BLHS, vì T mượn điện thoại của N không sử dụng đúng mục đích như đã nói mà lại tự ý mang đi cầm lấy số tiền 2.000.000 đồng để sử dụng và bỏ trốn.

Ý kiến thứ hai cho rằng: Chưa đủ căn cứ kết luận hành vi của hành vi của T phạm vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 140 BLHS do chưa xác định được việc T sau khi lấy điện thoại của N đã có hành vi bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản.

Tác giả đồng tình với ý kiến thứ hai ...

Nay, tôi trao đổi cùng tác giả và bạn đọc vụ việc trên.

Như chúng ta đã biết, về phương diện Hình sự học, một hành vi được xem là hành vi phạm tội phải thỏa mãn đầy đủ các yếu tố tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự bao gồm: mặt chủ thể, mặt khách thể, mặt chủ quan và mặt khách quan của tội phạm. Trong đó, mặt chủ quan của tội phạm là yếu tố đặc biệt quan trọng của mọi tội phạm. Vì sao mặt chủ quan của tội phạm là yếu tố quan trọng ? Vì mặt chủ quan của tội phạm là yếu tố bao quát đối với người phạm tội: ý chí, mục đích ... mà người phạm tội hướng tới đối với khách thể của tội phạm.

            Trở lại vấn đề của tác giả đặt ra, khi nhận được chiếc điện thoại từ N thì T mang đi bán, nhưng bán không được nên đi cầm cố lấy tiền tiêu xài là thể hiện T sử dụng tài sản N không đúng mục đích. Trường hợp này ta thấy, đây là mối quan hệ giao dịch dân sự giữa T và N. Theo đó, nếu T bán, làm hư hỏng chiếc điện thoại này thì T có lỗi với N nên T có nghĩa vụ mua chiếc điện thoại khác hoàn cho N hoặc có thỏa thuận khác với N. Nếu không T phải chịu bồi thường trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng cho N theo quy định của Bộ luật Dân sự. Hành vi của T ban đầu tựa hồ có dấu hiệu đặc trưng của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” vừa chứa đựng tình tiết định tội quy định tại điểm a vừa chứa đựng tình tiết định tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 140 Bộ luật Hình sự (vừa chứa đựng tình tiết “Bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó”, vừa chứa đựng tình tiết “Sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp”). Song, do Cơ quan điều tra chưa làm việc được với T, chưa xác định được mặt chủ quan của T trong hướng tới việc chiếm đoạt chiếc điện thoại của N như thế nào. Nếu chưa làm sáng tỏ mặt chủ quan của T trong trường hợp này thì rất có thể rơi vào việc hình sự hóa giao dịch dân sự. Mặt khác, giữa tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự đều có chung đặc trưng “Thủ đoạn gian dối”. Do vậy, cần xác định thủ đoạn gian dối phát sinh ở giai đoạn nào để xác định tội danh cho chính xác. Bởi lẽ, nếu làm rõ mặt chủ quan và xác định trước khi chiếm đoạt chiếc điện thoại của N, T dùng thủ đoạn gian dối “Mượn điện thoại của N để nhắn tin và vào Facebook” rồi mang đi cầm thì hành vi của T cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự. Với nội dung mà tác giả nêu thì thấy, tuy rằng T có mang chiếc điện thoại của N đi cầm cố, hôm sau T có đến Cửa hàng “Điện thoại” của chị M chuộc lại chiếc điện thoại của N nhưng không được, do Công an đã thu giữ trước đó và T cũng bỏ địa phương đi luôn, không rõ đi đâu nên Cơ quan điều tra không làm việc được với T. Vấn đề ở đây chưa xác định có phải T chuộc lại chiếc điện thoại trả lại cho N hay chuộc lại nhằm vào mục đích nào khác.

Từ phân tích trên, theo tôi là Cơ quan điều tra chưa có đầy đủ yếu tố khởi tố hình sự đối với T, với tội danh nào theo quy định của Bộ luật Hình sự. Xin trao đổi cùng tác giả và rất mong quý Độc giả cùng trao đổi để có sự thống nhất chung trong nhận thức và áp dụng pháp luật trong thực tiễn.

                                                                            Lê Quang Minh


Tin liên quan

» Một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp
» Phòng 9 VKSND tỉnh thực hiện tốt công tác kháng nghị, kiến nghị
» Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, sửa bản án sơ thẩm
» Kiến nghị thu hồi các quyết định thi hành án, quyết định giải tỏa tài sản của người phải thi hành án
» Hiệu quả từ phiên tòa rút kinh nghiệm đối với công tác tự đào tạo của Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề