Để có trải nghiệm tốt hơn trên trên trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Sóc Trăng, bật JavaScript trong trình duyệt của bạn
Bật javasrcipt trình duyệt Chrome Bật javasrcipt trình duyệt IE
chi tiết tin

“08 NĂM THÀNH LẬP VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN HUYỆN TRẦN ĐỀ (01/4/2010 - 01/4/2018), BẢN LĨNH SONG HÀNH CÙNG THÁCH THỨC”  

(Đăng ngày: 18/7/2018)

Thực hiện Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ, ngày 01/4/2010, một sự kiện có lẽ đã đi vào cảm xúc của nhiều thế hệ cán bộ tiên phong, gắn liền với sự thành lập huyện Trần Đề, đó là sự khai sinh các cơ quan tư pháp trên địa bàn huyện, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề. Khi đó, tất cả mọi  thứ đều là con số 0 và khó thể hình dung được thách thức mà các cô, chú, anh, chị phải đối mặt khi được điều động đến công tác tại một vùng đất mới và thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần. Nhưng, trong cái gian khó của thời bình thì cái tình đồng chí, đồng đội cùng gắn bó, sống chết với nhau qua những ngày gian khổ lại chính là điểm sáng đáng tự hào, là điểm son còn ghi giữ mãi, cũng là động lực đưa Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề trở thành một trong những đơn vị tiêu biểu về thành tích và chất lượng công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ từ công tác Đảng đến chính quyền, đoàn thể.  Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề cũng là chiếc nôi tôi rèn cho nhiều thế hệ cán bộ trở thành những Lãnh đạo, Kiểm sát viên nổi bật trong hai cấp kiểm sát Sóc Trăng và được Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, các đơn vị Viện huyện tin tưởng, ưu ái.

Là “em út” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, huyện Trần Đề từ khi thành lập, giáp với huyện Cù Lao Dung ở phía Đông, với huyện Mỹ Xuyên ở phía Tây, thị xã Vĩnh Châu ở phía Nam, huyện Long Phú và thành phố Sóc Trăng ở phía Bắc. Diện tích Trần Đề rộng 378,7598 km². Tuy nhiên, Trần Đề là huyện ven biển, phần lớn diện tích đất bị nhiễm mặn, với độ cao 1,0 – 1,2 m so với mặt nước biển, cao hơn trung bình của tỉnh Sóc Trăng. Có hệ thống rừng phòng hộ ven biển và một phần nhỏ đất giồng cát thích hợp với việc trồng màu. Huyện thường xuyên đối mặt với tình trạng khô hạn, thiếu nước ngọt vào mùa khô. Huyện Trần Đề có 130.077 nhân khẩu, trên cơ sở điều chỉnh 18.978,39 ha diện tích đất tự nhiên và 75.046 nhân khẩu của huyện Long Phú; 18.897,59 ha diện tích đất tự nhiên và 55.031 nhân khẩu của huyện Mỹ Xuyên. Toàn huyện có trên 52% là người dân tộc thiểu số (Khmer 48%, Hoa 04%), hộ nghèo trên 20% với 11 đơn vị hành chính xã gồm: Lịch Hội Thượng, Trung Bình, Đại Ân 2, Liêu Tú, Thạnh Thới An, Thạnh Thới Thuận, Tài Văn, Viên An, Viên Bình và các thị trấn Lịch Hội Thượng, Trần Đề. Từ khi thành lập đến nay, nền kinh tế của huyện Trần Đề giữ được ổn định và có bước tăng trưởng khá. Trần Đề có 12km bờ biển, thế mạnh là thủy hải sản và nông nghiệp với Cảng biển Trần Đề là đầu mối giao thương thu hút nhiều nguồn lực đầu tư từ đó kéo theo nhiều thành phần xã hội phức tạp và các tầng lớp nhân dân lao động cùng tập trung sinh sống đã giúp hoạt động giao thương tại đây luôn sôi nổi, tất bật nhưng bên cạnh đó các loại tội phạm phát sinh cũng ngày càng có chiều hướng phức tạp, tinh vi, trẻ hóa và mức độ về hậu quả cũng ngày càng nặng nề hơn chủ yếu tập trung ở các tội phạm về ma túy, xâm phạm sở hữu, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, các tội xâm phạm an toàn giao thông, xâm phạm trật tự công cộng. Tình hình tội phạm ngày càng phức tạp đã tác động trực tiếp đến tâm lý của người dân sinh sống trên địa bàn và luôn là bài toán khó thách thức các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn góp phần thực thi pháp luật và bảo vệ tình hình trật tự an toàn tại địa phương.

Trên cơ sở thành lập huyện Trần Đề, ngày 29/3/2010, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 13/QĐ-VKSTC-V9 về việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng, đồng thời ban hành Quyết định số 97/ QĐ-VKSTC-V9 về việc bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Việt Hoàn, Chánh văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề, kể từ ngày 01/4/2010. Theo cơ chế thành lập, biên chế của Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng quyết định trên cơ sở chỉ tiêu biên chế do Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao cho. Do đó, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã điều động một số cán bộ, Kiểm sát viên của các đơn vị bao gồm Viện kiểm sát tỉnh, huyện Thạnh Trị, Ngã Năm, Long Phú đến công tác tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề nâng tổng số biên chế của đơn vị lên 06 biên chế gồm 04 kiểm sát viên (kể cả 02 lãnh đạo), 01 chuyên viên, 01 kế toán viên trung cấp. Như vậy, cùng với khó khăn của huyện mới thành lập do thiếu biên chế so với các huyện khác thì Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề còn phải đối mặt với tình trạng thuê mướn trụ sở và cơ sở vật chất, thiết bị luôn trong tình trạng thiếu thốn và tạm thời trong nhiều năm liền. Đến năm 2016, công trình trụ sở Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề chính thức được khởi công xây dựng và được đưa vào hoạt động từ năm 2018. Do đó, giai đoạn 2010 đến năm 2018, Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề có sự tăng, giảm số lượng biên chế và thay đổi  trụ sở làm việc liên tục từ ấp Phố Dưới, xã Lịch Hội Thượng đến ấp Chợ, xã Trung Bình và hiện tại trụ sở Viện kiểm sát được đặt tại ấp Đầu Giồng, thị trấn Lịch Hội Thượng.

Hiện tại, Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề có tổng số 13 CBCC, trong đó có 06 KSV (kể cả 03 đ/c Lãnh đạo), 02 kiểm tra viên, 03 chuyên viên, 01 tạp vụ và 01 HĐLĐ theo NĐ68/CP; trình độ Thạc sĩ Luật 01và 09 cử nhân Luật. Thực hiện đúng các quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân về cơ cấu, tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề được chia làm ba bộ phận: bộ phận văn phòng, khiếu tố; bộ phận hình sự, thi hành án hình sự, tạm giữ, tạm giam; bộ phận dân sự, thi hành án dân sự. Trong đó: đ/c Huỳnh Văn Ly – Viện trưởng VKSND huyện Trần Đề phụ trách chung đơn vị trực tiếp chỉ đạo bộ phận văn phòng, khiếu tố giúp việc có 01 KTV, 01 kế toán, 01 CV đang tham gia lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát; đ/c Nguyễn Thanh Nhị phó viện trưởng phụ trách bộ phận hình sự, thi hành án hình sự, tạm giữ, tạm giam giúp việc có 01 KSV, 01 CV; đ/c Nguyễn Thị Mỹ Hạnh phó viện trưởng phụ trách bộ phận dân sự, thi hành án dân sự giúp việc có 02 KSV, 01 KTV. Với sự quan tâm sâu sát của Ban lãnh đạo Viện nên công tác bố trí, phân công nhiệm vụ được thực hiện hợp lý dựa trên năng lực, sở trường của từng cán bộ qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Trong năm có nhiều lượt cán bộ được đưa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn do Ngành và địa phương tổ chức.

Nhìn chung, sau 08 năm đi vào hoạt động, Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề đã luôn nhận được sự quan tâm của Thường trực Huyện ủy, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh nên về tổ chức bộ máy, độ ngũ cán bộ - kiểm sát viên đã được kiện toàn, ổn định về cơ sở vật chất, tạo điều kiện để Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề thực hiện tốt các nhiệm vụ được cấp ủy địa phương và ngành giao cho. Qua đó, đơn vị luôn bám sát 09 chỉ thị của Ngành về chỉ đạo công tác nghiệp vụ, các Kế hoạch, hướng dẫn nghiệp vụ của Viện kiểm sát tỉnh, triển khai đồng bộ các biện pháp nên các chỉ tiêu nghiệp vụ đơn vị luôn nổ lực phấn đấu đạt và vượt, đặc biệt không để phát sinh các chuyên đề nghiệp vụ. Mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tư pháp được đẩy mạnh và duy trì, trên cơ sở chế ước và phối hợp, Viện kiểm sát Trần Đề luôn phát huy được vai trò và vị trí trong công tác đấu tranh phòng, chống và xử lý tội phạm, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Lãnh đạo VKSND tỉnh Sóc Trăng chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể VKSND huyện Trần Đề năm 2016

Có thể nói 08 năm kể từ ngày thành lập, Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề đã thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa ở địa phương. Cụ thể:

Về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự: Thể hiện qua tiến độ giải quyết tố giác tin báo tội phạm, đơn vị không có tin quá hạn chưa giải quyết, việc xử lý tin chính xác, nhất là các tin chuyển xử lý hình sự, kiểm sát viên luôn phối hợp, bám sát tiến độ xác minh tin báo của Điều tra viên để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ không để xảy ra tình trạng kéo dài, gia hạn nhưng không có hoạt động xác minh, tạo tiền đề cho việc khởi tố vụ án đúng người, đúng tội không oan sai và bỏ lọt tội phạm. Giai đoạn kiểm sát điều tra, đơn vị chú trọng yêu cầu Kiểm sát viên được phân công thụ lý tích cực đề ra yêu cầu điều tra đối với cơ quan điều tra throng việc điều tra, thu thập chứng cứ, đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, luôn gắn công tố với hoạt động điều tra, bám sát tiến độ điều tra án, hạn chế việc gia hạn điều tra làm ảnh hưởng chất lượng giải quyết án. Các bản cáo trạng của đơn vị luôn được ban hành trên cơ sở nghiên cứu chặt chẽ hồ sơ vụ án, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, mức hình phạt được áp dụng hợp lý, đúng quy định pháp luật, không để phát sinh chuyên đề trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đơn vị luôn đề ra nhiều biện pháp nhằm phát huy trách nhiệm của Kiểm sát viên, không ngừng nâng cao hiệu quả thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, luôn bám sát nhiệm vụ trọng tâm là “nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa”. Chú trọng phát hiện các vi phạm của các cơ quan tư pháp để ban hành kiến nghị, kháng nghị trong lĩnh vực hình sự. Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân, gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại: cử KSV tham gia phiên tòa, phiên họp đầy đủ theo quy định, không để xảy ra án hủy sửa có lỗi của Kiểm sát viên, ban hành kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong việc giải quyết án. Công tác bắt tạm giữ, tạm giam; thi hành án hình sự, dân sự: đảm bảo các trường hợp bị bắt tạm giữ, tạm giam đều có căn cứ và đúng quy định, định kỳ và đột xuất trực tiếp kiểm sat nhà tạm giữ, qua đó phát viện các trường hợp vi phạm để yêu cầu, kiến nghị NTG khắc phục kịp thời; kiểm sát chặt chẽ việc ra quyết định thi hành án hình sự, dân sự, các trường hợp hợp hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, án treo; xác minh điều kiện thi hành án, cưỡng chế kê biên, tiêu hủy vật chứng. Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo được thực hiện nghiêm túc, qua đó giải quyết kịp thời các nội dung đơn thuộc thẩm quyền, hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn, không để xảy ra tình trạng công dân bức xúc, khiếu nại.

 Với những kết quả đạt được trong 08 năm, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề đã được Nhà nước, Ngành và địa phương tặng, thưởng nhiều danh hiệu cao quý điển hình từ năm 2010 đến năm 2018, nhiều năm liền được Hội đồng thi đua khen thưởng Viện KSND tỉnh Sóc Trăng xét tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”. Đặc biệt, năm 2013 được Viện kiểm sát nhân dân tối cao tặng cờ dẫn đầu thi đua khối; nhiều cá nhân của đơn vị đạt được danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở và chiến sỹ thi đua Ngành; Bằng khen của Viện trưởng VKSNDTC. Bên cạnh đó, Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề còn tích cực tham gia và đạt nhiều thành tích nổi bật throng các phong trào thể tha do Ngành và địa phương phát động, tạo tiền đề cho thế hệ cán bộ trẻ tương lai của Trần Đề vượt qua những thách thức, những khó khăn trở ngại throng quá trình thực hiện nhiệm vụ được cấp Ủy và Ngành giao phó trong thời gian tới.

Tập thể cán bộ, công chức VKSND huyện Trần Đề năm 2018

 

Lý Thị Thanh Hoa- VKSND huyện Trần Đề


Tin liên quan

» Phòng thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự - Lịch sử hình thành và phát triển
» Văn phòng tổng hợp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng - 26 năm hình thành và phát triển
» Phòng kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng - 26 năm hình thành và phát triển
» Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Thành - 10 năm hình thành và phát triển
» Thanh Tra Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng - Lịch sử hình thành và phát triển