Để có trải nghiệm tốt hơn trên trên trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Sóc Trăng, bật JavaScript trong trình duyệt của bạn
Bật javasrcipt trình duyệt Chrome Bật javasrcipt trình duyệt IE
chi tiết tin

Hiệu quả từ thực hiện Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân

STO - Trong 5 năm thực hiện Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), các cơ quan VKSND trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Từ đó, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất; mọi tội phạm, vi phạm pháp luật đều được phát hiện, xử lý kịp thời; không để lọt tội phạm, người phạm tội và không làm oan người vô tội, việc giải quyết các vụ án đúng pháp luật.

Theo đồng chí Đinh Gia Hưng - Viện trưởng VKSND tỉnh, ngay khi được tiếp thu, quán triệt Luật Tổ chức VKSND năm 2014 (có hiệu lực 1-6-2015), Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND tỉnh đã tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy ban hành chỉ thị về việc triển khai quán triệt, phổ biến Luật Tổ chức VKSND trên địa bàn tỉnh. Mục đích nhằm tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, cơ quan nhà nước ở địa phương và nhân dân trên địa bàn hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động của VKSND, nhất là những nhiệm vụ, quyền hạn mới được quy định trong luật. Từ đó, tạo sự đồng thuận của các cơ quan hữu quan và nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND ở địa phương.

VKSND tỉnh tạo mọi điều kiện và quan tâm chăm bồi cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên hai cấp. Ảnh: C.H

Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND, Luật Tổ chức VKSND năm 2014 đã phân định một cách rõ ràng, hợp lý, cụ thể hơn trong từng khâu công tác. Ngay khi luật có hiệu lực, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo VKSND hai cấp thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao tiến độ, chất lượng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và xem đây là khâu công tác mang tính đột phá. Trong 5 năm qua, VKSND hai cấp đã kiểm sát giải quyết trên 4.150 tin báo (trong đó, cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự 2.492 tin báo). VKSND hai cấp đã yêu cầu kiểm tra, xác minh 4.469 tin báo; trực tiếp kiểm sát 68 cuộc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của cơ quan điều tra; ban hành 50 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm. Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, VKSND hai cấp còn ban hành 6 kiến nghị UBND các cấp chỉ đạo các cơ quan hữu quan thực hiện các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm trên địa bàn.

Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo phải nghiên cứu sâu, kỹ lưỡng các nhiệm vụ, quyền hạn khi thực hành quyền công tố, kiểm sát trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”; tăng cường trách nhiệm của VKSND trong phòng, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm và đây là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của ngành kiểm sát nhân dân. Đến nay, đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra mới 2.486 vụ án hình sự với 2.861 bị can. Đồng thời, VKSND hai cấp còn phối hợp với cơ quan điều tra công an cùng cấp xác định 381 vụ án trọng điểm với 533 bị can, áp dụng thủ tục rút gọn 3 vụ, áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt 1 vụ. Cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 1.989 vụ với 2.787 bị can.

Ở giai đoạn truy tố, VKSND hai cấp đã giải quyết 1.989 vụ án, 2.781 bị can. Quá trình giải quyết, các kiểm sát viên thực hiện nghiêm, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và trình tự thủ tục đúng quy định. Kịp thời ban hành các quyết định khởi tố, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong trường hợp phát hiện vụ án còn có hành vi phạm tội, người phạm tội khác chưa được khởi tố, điều tra và trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung; kịp thời yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật.

VKSND tỉnh phối hợp với các cơ quan tố tụng tổ chức nhiều hội nghị, chuyên đề để nâng cao chất lượng giải quyết án. Ảnh: C.H

VKSND hai cấp không ngừng đổi mới, tăng cường các biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của kiểm sát viên trong thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, nhất là việc tranh tụng tại tòa. Thời gian qua, đã kiểm sát xét xử hình sự sơ thẩm là 1.909 vụ, 2.712 bị cáo; kiểm sát xét xử hình sự phúc thẩm 370 vụ, 537 bị cáo. Đối với lĩnh vực dân sự, VKSND hai cấp đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm, tham gia xét xử 100% đối với các vụ, việc theo quy định của pháp luật; tăng cường kiểm sát chặt chẽ bản án, quyết định của tòa án, trong đó, đã kiểm sát việc giải quyết gần 23.000 vụ, việc sơ thẩm...

Ngoài ra, công tác kiểm sát hoạt động tư pháp đã bám sát kế hoạch, chương trình công tác, các quy chế nghiệp vụ của ngành và đổi mới các biện pháp nghiệp vụ. Tăng cường công tác kiểm sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam; thi hành án hình sự; thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; kiểm sát giải quyết các vụ việc ở lĩnh vực dân sự và kiểm sát giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp, đảm bảo chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Chính vì vậy, hiệu quả các khâu công tác này cũng ngày càng được nâng lên, tỷ lệ thi hành án hình sự đạt 100%; việc thi hành án dân sự tồn đọng, kéo dài từng bước được giải quyết; số vụ việc dân sự có vi phạm ở cấp sơ thẩm được phát hiện, kháng nghị; các khiếu nại, tố cáo về tư pháp được giải quyết kịp thời.

Thực tiễn qua 5 năm áp dụng các quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng các quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức và người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cá nhân. Thường xuyên chăm lo giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức tự giác chấp hành Hiến pháp, pháp luật... Tuy nhiên, quá trình thực hiện, nhận thức pháp luật giữa một số cơ quan tiến hành tố tụng còn vài quan điểm khác nhau khi viện dẫn, áp dụng pháp luật. Liên ngành Tư pháp Trung ương chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật dẫn đến công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp ở địa phương đôi lúc chưa kịp thời, dẫn đến thời hạn giải quyết các vụ việc kéo dài do phải báo cáo thỉnh thị ý kiến chỉ đạo của liên ngành cấp trên. Một số kiểm sát viên được phân công giải quyết các vụ án có vướng mắc còn lúng túng khi đề xuất hướng giải quyết...

Xuất phát từ thực tiễn khách quan, lãnh đạo VKSND tỉnh kiến nghị cần tăng cường công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự để đáp ứng ngày càng cao yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm tình hình mới. Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị; bồi dưỡng chuyên sâu kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp, tính nhanh nhạy của cán bộ, công chức ngành kiểm sát nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu công tác cải cách tư pháp. Chú trọng công tác ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật đối với các văn bản pháp luật mới được ban hành có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND. Kiến nghị có cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp, tương xứng với từng vị trí công tác, từng lĩnh vực nghiệp vụ được phân công. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị; phòng, chống tiêu cực, lãng phí, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong ngành kiểm sát nhân dân.

C.H

(trích nguồn Báo Sóc Trăng)

 


Tin liên quan

» VKSND tỉnh Sóc Trăng triển khai và trao Quyết định điều động công chức
» Hình phạt thích đáng cho hành vi biết pháp nhưng phạm pháp
» Tổ chức thành công Đại hội điểm Chi bộ 1, Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng, nhiệm kỳ 2025 – 2027
» Bản án nghiêm khắc cho các đối tượng mua bán, tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”
» VKSND huyện Mỹ Xuyên phối hợp Tòa án xét xử vụ án chống người thi hành công vụ