Để có trải nghiệm tốt hơn trên trên trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Sóc Trăng, bật JavaScript trong trình duyệt của bạn
Bật javasrcipt trình duyệt Chrome Bật javasrcipt trình duyệt IE
chi tiết tin

Hiệu quả từ phiên tòa rút kinh nghiệm đối với công tác tự đào tạo của Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề

Trong những năm gần đây, Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, một trong những biện pháp có hiệu quả là tổ chức các phiên toà xét xử hình sự rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng, đối đáp của Kiểm sát viên, đây cũng là một chỉ tiêu quan trọng hoàn thành Kế hoạch công tác hằng năm của đơn vị.

Những năm gần đây, đơn vị đã phối hợp với Toà án nhân dân cùng cấp tổ chức nhiều phiên toà hình sự rút kinh nghiệm, trong đó ngoài Kiểm sát viên thì còn có Lãnh đạo đơn vị đã trực tiếp tham gia thực hành quyền tố và kiểm sát xét xử. Việc tổ chức những phiên toà rút kinh nghiệm đã đạt được những hiệu quả thiết thực. Qua mỗi phiên toà, Lãnh đạo Viện có cơ sở để nhận xét, đánh giá năng lực của mỗi Kiểm sát viên, đồng thời nêu cao vai trò trách nhiệm trong việc chỉ đạo giải quyết các vụ án hình sự, đảm bảo những yêu cầu mà toàn Ngành đã đề ra, đó là: Truy tố đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội. Kiểm sát viên sẽ được rèn luyện sự tự tin, nâng cao khả năng đối đáp, tranh tụng, khả năng ứng biến đối với diễn biến và những tình huống có thể phát sinh tại phiên toà. Ngoài đánh giá chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, đây còn là dịp để Kiểm sát viên trẻ, ít kinh nghiệm được học tập và rút kinh nghiệm từ chính đồng nghiệp của mình, trau dồi thêm nhiều kiến thức thực tiễn.

Tuy nhiên từ thực tế tổ chức những phiên toà cho thấy tranh luận của Kiểm sát viên đôi lúc chưa thực sự linh hoạt, vẫn còn chung chung. Kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh tại tòa còn chưa nhạy bén. Khả năng đọc, tác phong trước phiên toà cần tự tin hơn nữa.

Kiểm sát viên tranh luận tại phiên tòa

Như vậy, để mỗi phiên toà có thể đạt được hiệu quả cao nhất, Kiểm sát viên cần chú ý và làm tốt những việc như sau:

- Phải nắm chắc nội dung vụ án, trong giai đoạn điều tra phải bám sát, đề ra yêu cầu điều tra, trao đổi với Điều tra viên để thu thập, sử dụng và đánh giá chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội.

- Phải nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án, nắm chắc nội dung vụ án. Khi nghiên cứu có sự kiểm tra, đối chiếu các văn bản tố tụng với tài liệu chứng cứ hồ sơ vụ án. So sánh lời khai của bị can, người bị hại và những người có liên quan để tìm ra những điểm còn mâu thuẫn. Nghiên cứu kỹ những chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội và những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.

- Phải chuẩn bị tốt nội dung xét hỏi. Chỉ có nghiên cứu, đặt ra những câu hỏi để tham gia xét hỏi tại phiên tòa thì Kiểm sát viên mới nắm chặt nội dung, tại phiên tòa sẽ tránh hút theo những lời trình bày, hay những tác động khách quan khác.

- Phải dự kiến các tình huống tranh luận. Muốn thế chỉ có Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ vụ án thì biết rành mạch các vấn đề mà luật sư, bị cáo, bị hại,...sẽ có ý kiến. Khi đối đáp tranh luận cần viện dẫn chứng cứ có trong hồ sơ đã được thẩm định công khai tại tòa, lồng ghép lời khai nhận, lời khai báo, lời trình bày của bị cáo, bị hại, người liên quan,…nhằm nâng cao tính thuyết phục trong lập luận. Tranh luận vào trọng tâm của vụ án và các vấn đề cần phải giải quyết. 

- Trong quá trình tranh tụng, Kiểm sát viên cần tập trung chú ý lắng nghe và ghi chép đầy đủ những điểm mấu chốt trong lời khai của bị cáo; ý kiến bào chữa của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đưa ra. Từ đó, phân tích, tổng hợp đưa ra những lập luận sắc bén, chính xác để đối đáp, bảo vệ chặt chẽ, đầy đủ quan điểm truy tố của Viện kiểm sát. Đồng thời dự kiến các tình huống phát sinh tại tòa để có ý kiến tranh luận linh hoạt và giải quyết tốt vụ án, mặt khác còn thể hiện văn hoá ứng xử của Kiểm sát viên trong khi đối đáp, tranh luận tại phiên toà.

- Sau khi xét xử, đơn vị phải tổ chức họp rút kinh nghiệm. Từ kết quả thực tế tại phiên toà, Kiểm sát viên sẽ tự đánh giá kết quả thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử và tiếp thu những ý kiến nhận xét, đánh giá của Lãnh đạo và đồng nghiệp. Rút ra những ưu điểm, tồn tại, thiếu xót của bản thân cũng như của Hội đồng xét xử để khắc phục.  

Như vậy, có thể nói rằng, việc tổ chức các phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm là một giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, trau dồi trình độ kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, tự đào tạo tại đơn vị và góp phần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt các nhiệm chính trị tại địa phương./.

KSV Nguyễn Kiến Thức - Phó Viện trưởng VKSND huyện Trần Đề


Tin liên quan

» Một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp
» Phòng 9 VKSND tỉnh thực hiện tốt công tác kháng nghị, kiến nghị
» Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, sửa bản án sơ thẩm
» Kiến nghị thu hồi các quyết định thi hành án, quyết định giải tỏa tài sản của người phải thi hành án
» Viện kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Xuyên tăng cường công tác kiến nghị phòng ngừa vi phạm