Để có trải nghiệm tốt hơn trên trên trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Sóc Trăng, bật JavaScript trong trình duyệt của bạn
Bật javasrcipt trình duyệt Chrome Bật javasrcipt trình duyệt IE
chi tiết tin

Tăng cường thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám xét nhằm nâng cao chất lượng giải quyết án hình sự

Khám xét là một trong các biện pháp điều tra do người tiến hành tố tụng thực hiện bằng cách lục soát, tìm kiếm trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử của một người, nhằm phát hiện và thu giữ công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án. Đây là một trong những hoạt động điều tra nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ án.

Một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự là hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khám xét của Cơ quan điều tra, cụ thể Điều 193 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) có các quy định: “Lệnh khám xét của những người được quy định tại khoản 2 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành”, “...Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xét xong, người ra lệnh khám xét phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ việc, vụ án”, “Trước khi tiến hành khám xét, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian và địa điểm tiến hành khám xét để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc khám xét, trừ trường hợp khám xét khẩn cấp. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám xét. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản khám xét”. Như vậy có thể thấy, Viện kiểm sát có vai trò rất lớn trong hoạt động khám xét. Về nhiệm vụ quyền hạn của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khám xét được quy định đầy đủ, chi tiết tại Điều 54 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (Quy chế 111).

Kiểm sát viên kiểm sát việc khám xét

Nhận thức được tầm quan trọng nêu trên, trong thời qua, Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khám xét, bởi vì số lượng các vụ án liên quan đến việc xâm phạm quyền sở hữu tương đối nhiều, đặc biệt là các vụ lừa đảo thông qua hình thức chơi hụi, qua công tác nhận thấy do nhiều nguyên nhân (che giấu, hoặc không nhớ) mà người tố giác (sau này là bị can) không giao nội đầy đủ các tài liệu có liên quan, do đó khi đã chứng minh hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì trao đổi thống nhất với Cơ quan điều tra sẽ tiến hành khám xét nhằm thu giữ tài liệu, đồ vật có liên quan, phục vụ cho việc giải quyết vụ án. Trong đó, khi được phân công, Kiểm sát viên đã kiểm sát chặt chẽ nội dung và hình thức Lệnh khám xét, đảm bảo đúng căn cứ, đúng quy trình, đối tượng khám xét và thẩm quyền theo quy định tại Điều 192 và Điều 193 BLTTHS, qua đó báo cáo Lãnh đạo đơn vị trình Lãnh đạo Viện phê chuẩn.

Ngay sau khi phê chuẩn Lệnh khám xét, Kiểm sát viên đã phối hợp, thống nhất với Điều tra viên về thời gian, địa điểm khám xét và kế hoạch khám xét. Quá trình trực tiếp kiểm sát việc khám xét, Kiểm sát viên đã kiểm sát chặt chẽ thành phần tham gia, trình tự, thủ tục thực hiện các hoạt động khám xét; chủ động yêu cầu khám xét tại những nơi, vị trí, khu vực nghi ngờ cất giấu đồ vật, tài liệu, bảo đảm không bỏ sót bất kỳ khu vực, vị trí nào trong phạm vi khám xét; kiểm sát việc thu giữ tài liệu, đồ vật được phát hiện, thu giữ trong quá trình khám xét, điển hình một số vụ án như:

Vụ Nguyễn Thị Kiều L, phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quá trình kiểm sát việc giải quyết nguồn tin phát hiện Cơ quan điều tra thu thập được nhiều tài liệu (nghi vấn làm giả), yêu cầu cung cấp đồ vật có liên quan người bị tố giác không cung cấp, do đó đã thống nhất sẽ tiến hành khám xét khi phê chuẩn khởi tố bị can.

Vụ Lý Thị Mỹ Ng, phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quá trình kiểm sát việc giải quyết nguồn tin, Cơ quan điều tra thu thập thu thập được một số sổ sách, tài liệu liên quan đến việc lập mở hụi, yêu cầu cung cấp thì người bị tố giác cho rằng đã giao nộp đầy đủ nên không còn, do đó thống nhất sẽ tiến hành khám xét khi phê chuẩn khởi tố bị can.

Kết quả hoạt động khám xét, khi tiến hành khám xét nơi ở bị can L, Cơ quan điều tra đã thu giữ được một số tài liệu (các hợp đồng trích thưởng giả, giấy mua tờ thể hiện việc giao dịch tiền, các đồ vật như bình bằng kim loại, một số đồ trang sức), đối với bị can Ng, khi khám xét Cơ quan tiếp tục thu giữ thêm các giấy tờ ghi chép việc theo dõi hụi, giấy tờ mua bán tài sản, đây là những tài liệu, đồ vật có liên quan trực tiếp đến vụ án, là những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Sau khi thu giữ, Kiểm sát viên cũng kiểm sát chặt chẽ việc thu giữ, niêm phong, bảo quản vật chứng theo quy định tại các  điều 90, 106 và 199 BLTTHS.

KSV Lâm Hol - Phó trưởng phòng 2, VKSND tỉnh Sóc Trăng


Tin liên quan

» Một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp
» Phòng 9 VKSND tỉnh thực hiện tốt công tác kháng nghị, kiến nghị
» Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, sửa bản án sơ thẩm
» Kiến nghị thu hồi các quyết định thi hành án, quyết định giải tỏa tài sản của người phải thi hành án
» Hiệu quả từ phiên tòa rút kinh nghiệm đối với công tác tự đào tạo của Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề