Để có trải nghiệm tốt hơn trên trên trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Sóc Trăng, bật JavaScript trong trình duyệt của bạn
Bật javasrcipt trình duyệt Chrome Bật javasrcipt trình duyệt IE
chi tiết tin

NHẬN DIỆN PHƯƠNG THỨC, THỦ ĐOẠN TỘI PHẠM LỢI DỤNG HÌNH THỨC GÓP HỌ ĐỂ CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

LA THÙY DIỄM*

TRẦN VĂN TRUNG**

Tóm tắt: 

Hụi/họ/biêu/phường là một hình thức huy động vốn theo tập quán từ xưa, tồn tại lâu đời và khá phổ biến ở nước ta. Thời gian qua hoạt động hụi diễn biến phức tạp và đã xảy ra nhiều vụ vỡ hụi gây xôn xao dư luận thông qua cách thức lợi dụng việc chơi hụi, một số đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản. Qua bài viết tác giả phân tích những quy định chung về hình thức góp hụi, đồng thời phân tích một số phương thức, thủ đoạn của một số tội phạm lợi dụng hình thức góp hụi để chiếm đoạt tài sản.

1. Khái niệm, đặc điểm và phân loại họ, hụi, biêu, phường

1.1. Khái niệm

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015 đưa ra khái niệm họ, hụi, biêu, phường như sau: Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

Như vậy, có thể hiểu họ nói họ là một loại giao dịch dân sự về tài sản vì nó là sự thỏa thuận của các bên nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Họ cũng là một dạng hợp đồng dân sự nói chung và hợp đồng vay tài sản nói riêng vì nó có đầy đủ các đặc trưng của hợp đồng mà Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định[1].

Giao dịch này đã được sử dụng từ lâu và nó đã trở thành tập quán. Nguyên tắc chung của họ là nhiều người (tay em) cùng tham gia một dây họ do một người làm chủ họ. Lần lượt theo thứ tự bốc thăm hoặc theo thoả thuận đến kì hạn bốc họ, một người sẽ nhận về số tiền, sổ tiền này do những người cùng tham gia dây họ góp lại. Theo thứ tự bốc họ, khi người cuối cùng bốc họ thì dây họ chấm dứt.

Bản chất truyền thống của góp họ là những người chơi họ tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Dưới hình thức góp họ, thành viên góp họ có được số vốn tập trung để có điều kiện kinh doanh hoặc sử dụng vào những công việc cần chi tiêu lớn. Những hình thức góp họ có tính chất lành mạnh được Nhà nước khuyến khích. Ngược lại, pháp luật cấm lợi dụng hình thức “góp họ” để nhằm mục đích cho vay nặng lãi hoặc có tính chất lừa đảo, lạm dụng chiếm đoạt tài sản hoặc huy động vốn trái phép. Những trường hợp này, tuỳ theo mức độ vi phạm nặng nhẹ mà sẽ bị xử lí hành chính hoặc hình sự.

Họ bao gồm họ có lãi, họ không có lãi và họ hưởng hoa hồng[2].

1.2. Đặc điểm

Một là, họ là một giao dịch dân sự. Đó chính là sự thỏa thuận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia vào giao dịch này tại Điều 116 Bộ luật Dân sự. Khi tham gia họ, các bên có sự thỏa thuận nhằm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Hai là, giao dịch họ là một dạng hợp đồng dân sự. Do đó họ có đầy đủ đặc trưng của một hợp đồng dân sự. Vì vậy, họ có đầy đủ các đặc trưng của hợp đồng dân sự theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Đó chính là sự thỏa thuận giữa các bên về quyền và nghĩa vụ khi tham gia hụi mà sự thỏa thuận đó phải trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận và không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Bên cạnh đó, cá nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực nhưng không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015.

Ba là, điều kiện để giao dịch họ có hiệu lực đó là giao dịch phải đảm bảo điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự tại khoản 1, Điều 117 Bộ luật Dân sự. Trước hết, thành viên là người ít nhất từ đủ mười lăm tuổi trở lên[3], đối với chủ họ phải là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật Dân sự; Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Bốn là, giao dịch họ có tính chất tương tự như một dạng hợp đồng vay tài sản. Nhưng giao dịch họ lại có một số điểm khác so với hợp đồng vay tài sản thông thường, chẳng hạn như hoạt động vay mượn tài sản trong họ không chỉ là sự diễn ra ở bên cho vay và đi vay mà có sự hoán đổi vị trí với nhau. Ở kỳ lĩnh họ này thì họ viên là người cho vay nhưng ở kỳ lĩnh họ sau họ viên đó chính là người đi vay. Và quan hệ vay mượn trong giao dịch họ thì giữa nhiều cá nhân vay một cá nhân và ngược lại thì một cá nhân đi vay của nhiều cá nhân luân phiên giữa các thành viên trong một dây họ. Đặc biệt, trong giao dịch họ thì cá nhân đi vay tài sản tự đặt ra mức lãi suất thông qua hình thức bỏ lãi[4] (đối với họ có lãi, thành viên nào bỏ lãi cao nhất thì được hốt họ trước). Bản chất trong họ thì lại khác hoàn toàn so với hợp đồng vay tài sản thông thường vì người cho vay áp đặt lãi suất đối với người đi vay còn họ thì ngược lại (đối với họ có lãi).

Năm là, việc chơi họ cũng thể hiện hình thức tín dụng trong nhân gian. Trong góp họ, có một người - chủ họ - đứng ra làm trung gian tài chính làm đầu mối huy động vốn và hưởng lợi huê hồng (họ hưởng hoa hồng), vì vậy việc góp họ thực chất là một quan hệ tín dụng - tín dụng dân gian.

2. Quy định của pháp luật về họ

2.1. Nguyên tắc tổ chức và điều kiện tham gia họ

Thứ nhất, nguyên tắc tổ chức của việc tham gia họ: Căn cứ Điều 3 Nghị định 19/2019/NĐ-CP thì việc tổ chức họ phải tuân theo các nguyên tắc sau:

- Đảm bảo việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự;

- Mục đích của việc tổ chức họ là nhằm tương trợ lẫn nhau giữa những người cùng tham gia;

- Nghiêm cấm thực hiện hành vi lợi dụng việc tổ chức họ để cho vay lãi nặng, có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động nguồn vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Thứ hai, điều kiện tham gia họ:

- Cá nhân muốn là thành viên của họ thì phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên đối với trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà có tài sản riêng thì có thể là tham gia chơi họ, thành viên của dây họ, nếu tài sản là bất động sản hoặc là động sản phải đăng ký quyền sở hữu thì phải được người đại diện theo pháp luật của mình đồng ý. Ngoài ra cần đảm bảo các điều kiện khác theo thỏa thuận của những người tham gia dây họ[5].

- Điều kiện để thành viên của hụi làm chủ họ: phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự. Nếu các thành viên của họ tự tổ chức dây họ thì chủ họ phải đảm bảo điều kiện là người được hơn 1/2 thành viên trong họ bầu, trừ trường hợp các thành viên trong họ có thỏa thuận khác so với quy định này và chủ họ phải đảm bảo các điều kiện khác theo thỏa thuận của những người tham gia dây họ[6].

Thứ ba, hình thức thỏa thuận về dây họ[7]: Các thỏa thuận về dây họ phải được lập thành văn bản, kể cả việc sửa đổi, bổ sung sau khi đã ban hành văn bản thỏa thuận. Theo quy định của pháp luật thì văn bản thỏa thuận về dây họ không cần công chứng, chứng thực nhưng nếu các bên có yêu cầu thì vẫn phải thực hiện việc công chứng, chứng thực[8].

Thứ tư, gia nhập, rút khỏi, chấm dứt dây họ[9]:

- Gia nhập dây họ: mọi cá nhân có thể được tham gia dây họ khi: nhận được sự đồng ý của người chủ họ và tất cả các thành viên của dây họ; Có tài sản đủ để góp phần họ theo thỏa thuận của các bên tính đến thời điểm tham gia. Tuy nhiên nếu trong văn bản thỏa thuận về dây họ có các quy định về điều kiện khác thì cá nhân cũng phải tuân theo. 

- Rút khỏi dây hụi: khi một thành viên của dây họ muốn rút ra khỏi dây thì phải thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Đối với thành viên đã được lĩnh họ: được rút khỏi dây họ khi đã đóng đầy đủ các phần họ chưa góp và tiến hành giao cho chủ họ hoặc giao cho thành viên giữ sổ họ. 

+ Đối với thành viên đã thực hiện việc góp họ nhưng chưa được lĩnh thì sẽ được lĩnh các phần họ theo văn bản thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận thì được nhận lại các phần đã góp tại thời điểm kết thúc dây họ hoặc phần họ đã góp tại thời điểm rút khỏi dây họ. Đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả một phần tiền lãi đã được nhận (nếu họ có lãi) và phải thực hiện các nghĩa vụ khác nếu có; ngoài ra thành viên mà gây thiệt hại cho họ thì phải bồi thường.

+ Đối với người tham gia dây họ chết thì các quyền và nghĩa vụ của người đó được giải quyết và thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế. Đối với việc tham gia dây họ của người thừa kế thực hiện theo thỏa thuận giữa người thừa kế và những người tham gia dây họ.

- Chấm dứt dây họ: dây họ sẽ bị chấm dứt nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Sau khi mục đích góp họ của các thành viên đã đạt được;

+ Dựa theo thoả thuận trong văn bản thỏa thuận của những người tham gia họ;

+ Hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp dây họ khi chấm dứt thì quyền và nghĩa vụ của những người tham gia sẽ được thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

Như vậy ta thấy đối với hình thức tham gia họ mặc dù chỉ là một hình thức tổ chức tài chính của người dân giữa các cá nhân với nhau tuy nhiên hiện nay theo Nghị định 19/2019/NĐ-CP và Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định khá chi tiết và chặt chẽ về vấn đề tham gia họ. Khi các cá nhân tham gia tổ chức, góp họ thì nên nắm vững và cập nhật những quy định mới nhất của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tránh trường hợp quyền lợi bị xâm phạm.

2.2. Trách nhiệm pháp lý của chủ họ và các thành viên

Một là, trách nhiệm của chủ họ do không giao hoặc giao không đầy đủ các phần họ cho thành viên được lĩnh họ: trường hợp đến kỳ mở họ mà chủ họ không giao các phần họ cho thành viên được lĩnh họ thì chủ họ có trách nhiệm đối với thành viên đó như sau: thực hiện đúng nghĩa vụ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 18 của Nghị định số 19/2019/NĐ-CP; Trả lãi đối với số tiền chậm giao cho thành viên được lĩnh họ theo quy định; Chịu phạt vi phạm trong trường hợp những người tham gia dây họ có thỏa thuận phạt vi phạm theo quy định tại Điều 418 của Bộ luật Dân sự; Bồi thường thiệt hại (nếu có).

Hai là, trách nhiệm của thành viên không góp phần họ: trường hợp đến kỳ mở họ mà có thành viên không góp phần họ hoặc góp phần họ không đầy đủ thì thành viên đó có trách nhiệm đối với chủ họ như sau: Hoàn trả số tiền mà chủ họ đã góp thay cho thành viên; Trả lãi đối với số tiền chậm góp họ theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 19; Chịu phạt vi phạm trong trường hợp những người tham gia dây họ có thỏa thuận phạt vi phạm theo quy định tại Điều 418 của Bộ luật Dân sự; Bồi thường thiệt hại (nếu có).

Ba là, Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm:

- Trong trường hợp có tranh chấp về họ hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Chủ họ, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về họ.

Về bản chất, góp họ không phải là việc xấu, bởi nếu thật sự hoạt động đúng quy luật, nó cũng là một cách góp vốn và vay vốn dễ dàng, phù hợp với kiểu sinh hoạt làng, xã, thôn quê. Người tham gia họ cần vốn thì có thể lĩnh họ để xoay sở, việc góp lại hàng tháng với một ít lãi suất cũng không quá khó. Người có tiền thì coi đây là một hình thức tiết kiệm có lãi. Chủ họ thì được nhận hoa hồng (một hình thức trả công khi đứng ra gom họ, chịu trách nhiệm trước các thành viên). Tuy nhiên trên thực tế, họ ngày nay có quá nhiều biến tướng, với nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Điều đáng nói là, vẫn biết có nhiều rủi ro, nhưng có nhiều người, thậm chí là rất nhiều người, lao vào chơi hụi như những con thiêu thân dẫn đến bị một số đối tượng cố tình chiếm đoạt trái phép tài sản của họ thông qua hình thức góp họ.

3. Nhận diện một số phương thức, thủ đoạn tội phạm lợi dụng hình thức góp họ để chiếm đoạt tài sản

3.1. Một số phương thức, thủ đoạn của một số tội phạm lợi dụng hình thức góp họ để chiếm đoạt tài sản

Tùy theo mỗi vùng miền khác nhau thì có thể phát sinh một số phương thức, thủ đoạn khác nhau trong việc lợi dụng việc góp họ để chiếm đoạt tài sản. Qua thực tiễn công tác, chúng tôi thấy rằng đa phần tội phạm liên quan đến việc góp họ chiếm đoạt tài sản thường lợi dụng lòng tin của những người cùng tham gia họ như không quan tâm người tham gia họ, không hỏi tên họ viên được lĩnh họ, không theo dõi các lần lĩnh họ, không trực tiếp đi tham gia vào kỳ mở họ... để chiếm đoạt tiền của những người tham gia họ hoặc lợi dụng việc góp họ để thực hiện hành vi cho vay lãi nặng thông qua nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Sau đây là một số thủ đoạn điển hình như:

Thứ nhất, chủ họ đưa tên họ viên giả, tên người không có tham gia vào dây họ để hốt phần họ (người không có thật, hoặc có thật nhưng không tham gia phần hụi,...). Chủ họ thường không thực hiện đúng quy định về việc lập và gửi sổ họ theo quy định tại Điều 12 Nghị định 19/2019/NĐ-CP[10].

Thứ hai, chủ họ mạo danh (tự ý lấy các phần họ của họ viên) để hốt các phần họ. Với thủ đoạn này, đa số các chủ họ lợi dụng lòng tin của các họ viên trong việc họ viên tin tưởng, không quan tâm đi tham gia khi đến kỳ mở họ, phụ thuộc vào việc chủ họ nói họ viên nào đó lĩnh họ nhưng thực tế là do chủ họ tự lấy tên của một số họ viên để lĩnh họ.

Thứ ba, tự ý bán các phần họ của các họ viên để lấy tiền. Giống như trường họp thứ hai, lợi dụng lòng tin của các họ viên nên chủ họ đã tự ý bán các phần họ của họ viên này cho họ viên khác để chủ họ chiếm đoạt số tiền bán họ mà không có sự đông ý của các họ viên.

Thứ tư, khi gom họ của họ viên, chủ họ nói số tiền lãi họ thấp hơn thực tế để chiếm đoạt phần tiền lãi chênh lệch. Xuất phát từ lòng tin của các họ viên, họ viên không đi tham gia khi đến kỳ mở họ nên không biết số tiền lãi mà các họ viên bỏ ra để lĩnh họ. Chủ họ cố tình nói thấp đi số lãi để các họ viên đóng họ cao hơn và chủ họ sẽ chiếm đoạt phần lãi họ chênh lệch.

Thứ năm, gom được tiền hốt họ của họ viên nhưng không giao cho họ viên hốt được họ nhằm chiếm đoạt tiền của họ viên. Do chủ họ đang túng thiếu, khi gom được các phần họ và đến ngày thì không giao cho thành viên lĩnh họ[11].

Thứ sáu, lợi dụng việc góp họ để cho vay hoặc khi các thành viên không có khả năng đóng, trả họ thì chủ họ hoặc một số họ viên đã nộp thay phần họ của họ viên và tính lãi xuất cao hoặc khi trả lãi tại mỗi kỳ mở họ cao hơn mức với mức từ 8,33%/ tháng (100%/năm)[12].

3.2. Một số tội phạm cụ thể

Với những phương thức, thủ đoạn nêu trên, một số tội phạm thường liên quan đến hình thức góp họ thường là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, tội huy động vốn trái pháp luật. Cụ thể một số tội phạm cụ thể sau:

Một là, Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự hiện hành thì:

  1. “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
  1. Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
  2. Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
  3. Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
  4. Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Hành vi khách quan quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là “dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản”. Thủ đoạn gian dối cũng được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội.

Trong quá trình thực hiện việc góp họ, chủ họ thường phạm tội này khi chủ họ đưa tên họ viên giả, tên người không có để tham gia vào dây họ nhằm trã lãi để lĩnh các phần họ này (người không có thật, hoặc có thật nhưng không tham gia phần hụi,...); hoặc chủ họ mạo danh (tự ý lấy các phần họ của họ viên) để lĩnh các phần họ; hoặc tự ý bán các phần họ của các họ viên để lấy tiền mà không được sự đồng ý của họ viên; hoặc khi gom họ của họ viên, chủ họ nói số tiền trả lãi thấp hơn thực tế để chiếm đoạt phần tiền chênh lệch của các họ viên...

Hai là, Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự hiện hành thì:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Khác với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có sau khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội.

Đối với lại tội phạm này, chủ họ thường gom được tiền lĩnh họ của các họ viên nhưng không giao cho họ viên được lĩnh họ nhằm chiếm đoạt tiền của họ viên. Do chủ họ đang túng thiếu, khi gom được các phần họ và đến ngày thì không giao cho thành viên lĩnh họ.

Ba là, Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự hiện hành thì:

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở hành vi cho người khác vay trong giao dịch dân sự với lãi suất rất cao (gấp 05 lần trở lên mức quy định trong Bộ luật Dân sự). Ngoài mức lãi suất cao thì Đồng thời hành vi chỉ cấu thành tội phạm khi lợi dụng việc góp họ cho vay hoặc khi các thành viên không có khả năng đóng, trả họ chủ họ hoặc một số họ viên đã nộp thay phần họ của họ viên và tính lãi xuất với mức trên 8,33%/ tháng (100%/năm) hoặc khi trả lãi tại mỗi kỳ mở họ cao hơn mức quy định của pháp luật[13].

4. Một số kiến nghị, giải pháp

Trong thực tế thì việc tham gia họ gặp rất nhiều rủi ro. Nhất là đối với họ có lãi, một khi rủi ro xảy ra thì kéo theo đó rất nhiều hệ lụy đối với bản thân người tham gia. Vỡ họ không còn là chuyện mới và khi có tranh chấp xảy ra thì kéo theo nhiều tiêu cực, làm ly tán tình thân, phá vỡ hạnh phúc gia đình, nợ nần chồng chất. Có nhiều người vì ham lãi họ cao họ sẵn sàng vay tiền nơi khác về để đầu tư vào họ, họ hốt họ này đắp qua họ kia. Một khi vỡ họ, họ không chỉ mất tiền họ mà họ còn nợ một khoản tiền vay nơi khác nữa. Một số người phải bán tài sản mình hiện có để bù vào khoản nợ đó. Một số người trở nên điêu đứng vì không có tiền trả nợ đành phải chịu ngồi chờ hi vọng sẽ lấy lại được tiền họ từ dây hụi đã bị vỡ đó và chấp nhận mang nợ. Bởi việc tham gia vào một dây họ hoàn toàn dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau giữa các hụi viên và chủ hụi, không có tài sản thế chấp bảo đảm, nên hầu như ít có sự ràng buộc pháp lý giữa các bên. Vì vậy, khi tham gia họ, người tham gia phải thực sự lưu ý và hiểu rõ các quy định của pháp luật để tự bảo vệ mình, tránh những thiệt hại không đáng có xảy ra, đặc biệt là các vấn đề sau:

Thứ nhất, phải tiến hành lập sổ họ, văn bản thỏa thuận về dây họ, văn bản giao dịch họ có thể được đem ra cơ quan có thẩm quyền công chứng hoặc chứng thực; phải biết mặt tất cả các thành viên trong dây họ, và tổ chức hốt họ khi có đủ các thành viên và phải thảo luận để thống nhất đầy đủ các nội dung khi tham gia giao dịch họ.

Thứ hai, lãi suất trong họ có lãi do các thành viên của dây họ thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh họ tại mỗi kỳ mở họ nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần họ phải góp trừ đi giá trị các phần họ đã góp trên thời gian còn lại của dây họ. Tức là, nếu vượt quá mức lãi suất đó thì họ đang có dấu hiệu của việc tổ chức cho vay nặng lại.

Thứ ba, khi vỡ họ, cách duy nhất để tự bảo vệ quyền lợi của mình là yêu cầu Tòa án giải quyết, yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự về các tội phạm có liên quan như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dùng tín nhiệm chiếm đoạn tài sản...

Để có thể hạn chế các tội phạm phát sinh liên quan đến việc góp họ, chúng tôi kiến nghị một số giải phap sau đây:

Một là, các cấp, ngành và địa phương phải tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường trên phạm vi toàn quốc, nhất là ở các địa phường vùng sâu, vùng nông thôn; đảm bảo phổ biến, quán triệt kịp thời, đầy đủ đến các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức có liên quan nắm và thực hiện theo quy định. Trong quá trình triển khai phải có sự phân công cơ quan chủ trì (Bộ tư pháp chịu trách nhiệm đầu mối trong toàn quốc) và có sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Hai là, Bộ Công an chủ trì và chỉ đạo Công an địa phương phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tiến hành tổ chức việc thống kê, rà soát, cung cấp trao đổi thông tin về họ, qua đó đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về họ, góp phần hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực họ.

Ba là, Công an địa phương phối hợp với Sở tư pháp triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa hành vi thông qua việc tổ chức họ để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm doạt tài sản, lạm dụng tính nhiệm chiếm đoạt tài sản... và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Bốn là, tiến hành điều tra, xử lý nghiêm tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực họ, nhất là hành vi thông qua việc tổ chức họ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các họ viên, qua đó tăng cường tính răn đe, giáo dục người đã hoặc đang có ý định phạm tội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ luật Dân sự năm 2015.

2. Bộ luật Hình sự năm 2015 (bổ sung năm 2017).

3. Nghị định số 19/NĐ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường.

4. Nghị định số 144/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

 


* Thạc sĩ, Khoa Kinh tế Đại học Bạc Liêu.

** Thạc sĩ, Kiểm sát viên sơ cấp Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.

[1] Xem Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[2] Xem khoản 6, 7, 8 Điều 4 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 2 năm 2019 của Chính phủ về Họ, hụi, biêu, phường.

[3] Xem Điều 5, Điều 6 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 2 năm 2019 của Chính phủ về Họ, hụi, biêu, phường.

[4] Xem Điều 21 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 2 năm 2019 của Chính phủ về Họ, hụi, biêu, phường.

[5] Xem Điều 5 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 2 năm 2019 của Chính phủ về Họ, hụi, biêu, phường.

[6] Xem Điều 6 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 2 năm 2019 của Chính phủ về Họ, hụi, biêu, phường

[7] Xem Điều 7 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 2 năm 2019 của Chính phủ về Họ, hụi, biêu, phường

[8] Nội dung văn bản thảo thuận về dây họ phải đảm bảo theo quy định tại Điều 8 của Chính phủ về Họ, hụi, biêu, phường.

[9] Xem Điều 9,10,11 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 2 năm 2019 của Chính phủ về Họ, hụi, biêu, phường

[10] Xem Điều 12 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.

[11] Xem Điều 18 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.

[12] Xem Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015; Xem Điều 21 và Điều 22 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.

[13] Xem Điều 21 và Điều 22 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.


Tin liên quan

» VKSND huyện châu thành tăng cường công tác kiến nghị phòng ngừa trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Toà án
» Một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp
» Phòng 9 VKSND tỉnh thực hiện tốt công tác kháng nghị, kiến nghị
» Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, sửa bản án sơ thẩm
» Kiến nghị thu hồi các quyết định thi hành án, quyết định giải tỏa tài sản của người phải thi hành án