Để có trải nghiệm tốt hơn trên trên trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Sóc Trăng, bật JavaScript trong trình duyệt của bạn
Bật javasrcipt trình duyệt Chrome Bật javasrcipt trình duyệt IE
chi tiết tin

Đình chỉ bị can khi bị hại rút đơn yêu cầu

Khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại là một chế định được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS), xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, pháp luật quy định cho phép người bị hại lựa chọn quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Do đó, đối với một số tội phạm, cơ quan tiến hành tố tụng chỉ được khởi tố vụ án khi có yêu cầu của người bị hại, nếu không việc khởi tố này là trái pháp luật.

So với BLTTHS năm 2003 thì BLTTHS năm 2015 đã mở rộng hơn về thời điểm người bị hại có quyền rút yêu cầu, theo đó người bị hại được quyền rút yêu cầu bất cứ lúc nào trong suốt quá trình tố tụng, từ giai đoạn điều tra, truy tố đến xét xử, từ cấp xét xử sơ thẩm đến phúc thẩm.

Khi người bị hại rút yêu cầu khởi tố thì vụ án phải được đình chỉ, tuy nhiên trong tố tụng hình sự, đình chỉ vụ án và đình chỉ bị can là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Đình chỉ vụ án là quyết định chấm dứt mọi hoạt động tố tụng đối với vụ án, vụ án đã có quyết định đình chỉ thì không được phục hồi điều tra, truy tố hoặc xét xử (Trừ trường hợp Điều 249). Đình chỉ bị can là quyết định chấm dứt mọi hoạt động đối với bị can đó mà không ảnh hưởng đến bị can khác trong vụ án. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 không quy định đình chỉ bị can là cá nhân mà chỉ quy định đình chỉ bị can là pháp nhân (Điều 443). Việc đình chỉ bị can là cá nhân được thể hiện trong quyết định đình chỉ vụ án đối với từng bị can (Điều 248 và Điều 282).

Theo quy định tại Điều 155 BLTTHS năm 2015: “2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ… ”. Theo nội dung điều luật thì vụ án phải được đình chỉ thể hiện văn bản tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng ban hành là Quyết định đình chỉ vụ án (cả vụ án) mà không thể hiện việc đình chỉ vụ án đối với từng bị can. Do đó, trong thực tiễn áp dụng pháp luật xảy ra trường hợp: Trong vụ án hình sự, người bị hại chỉ rút yêu cầu khởi tố đối với một hoặc một số bị can, không rút yêu cầu khởi tố đối với một hoặc một số bị can còn lại. Một hoặc một số người bị hại rút yêu cầu khởi tố, một hoặc một số người bị hại còn lại không rút yêu cầu khởi tố thì đình chỉ vụ án hay đình chỉ vụ án đối với từng bị can hiện nay còn nhiều quan điểm khác nhau khi áp dụng pháp luật.

Ví dụ: Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án, khởi tố các bị can A, B, C, D về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự, trong quá tình điều tra bị hại yêu cầu mỗi bị can bồi thường 10.000.000 đồng, bị can A đồng ý bồi thường và đã bồi thường xong, các bị can B, C, D cũng đồng ý bồi thường số tiền trên tuy nhiên chưa có tiền bồi thường, nên bị hại có đơn không yêu cầu xử lý hình sự đối với bị can A, vẫn tiếp tục yêu cầu xử lý hình sự đối với các bị can B, C, D. Cơ quan Cảnh sát điều tra áp dụng khoản 2 Điều 155 BLTTHS đình chỉ điều tra đối với bị can A, tiếp tục xử lý hình sự đối với các bị can B, C, D.

Quan điểm thứ nhất: Cơ quan điều tra đình chỉ bị can theo Mẫu số 230 ban hành theo Thông tư số 119/2021/TT-BCA ngày 08/12/2021 là đúng quy định tại khoản 2 Điều 155, khoản 1 Điều 230 BLTTHS.

Quan điểm thứ hai: Vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại, khởi tố 04 bị can, tuy nhiên bị hại yêu cầu xử lý hình sự đối với 03 bị can, rút yêu cầu đối với 01 bị can do đã bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả 10.000.000 đồng. Bị hại vẫn tiếp tục yêu cầu xử lý hình sự đối với các bị can B, C, D nên không có căn cứ để đình chỉ vụ án, vì Điều 155 quy định là khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại chứ không phải khởi tố bị can theo yêu cầu của bị hại, nên vụ án không được đình chỉ mà tiếp tục giải quyết. Đối với yêu cầu không xử lý hình sự đối với bị can A thì Cơ quan điều tra cần tách vụ án đối với hành vi của A thành một vụ án riêng và đình chỉ vụ án, đình chỉ vụ án đối với bị can A theo mẫu 233 ban hành theo Thông tư số 119/2021/TT-BCA ngày 08/12/2021.

Quan điểm thứ ba: Điều 155 Bô luật TTHS quy định về việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, Khoản 2 Điều 155 quy định về việc rút yêu cầu thì cần phải hiểu đây là rút yêu cầu khởi tố vụ án. Theo quy định tại các điều 230, 248 BLTTHS năm 2015, một trong những căn cứ để quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án là bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án. Trong trường hợp vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, vụ án lại có nhiều bị can mà bị hại chỉ có đơn rút yêu cầu khởi tố đối với một hoặc một số bị can, không rút yêu cầu khởi tố vụ án, thì việc ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với bị can đó là không có căn cứ. Do vậy, nếu bị hại có đơn rút yêu cầu khởi tố đối với một hoặc một số bị can thì cơ quan tiến hành tố tụng giải thích cho bị hại biết bị hại chỉ có quyền rút yêu cầu khởi tố đối với vụ án. Nếu bị hại và bị can tự nguyện hòa giải thì Cơ quan điều tra giải thích cho bị hại về quyền bị hại có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho bị can, do đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả (trong trường hợp bị can thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng) thì cơ quan điều tra cần áp dụng khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 có thể miễn trách nhiệm hình sự, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với bị can đó. (Theo Công văn 5887/VKSTC-V14, ngày 05/12/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS năm 2015 và thi hành án hình sự).

Để có thể áp dụng chính xác, thống nhất và đúng quy định của BLTTHS năm 2015, liên ngành tư pháp Trung ương cần sớm ban hành hướng dẫn việc thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015, hoặc cần bổ sung khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015: “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà căn cứ để đình chỉ bị can, bị cáo không liên quan đến tất cả bị can, bị cáo thì có thể đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo”.

                                                                        Âu Hoàng Mến


Tin liên quan

» Một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp
» Phòng 9 VKSND tỉnh thực hiện tốt công tác kháng nghị, kiến nghị
» Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, sửa bản án sơ thẩm
» Kiến nghị thu hồi các quyết định thi hành án, quyết định giải tỏa tài sản của người phải thi hành án
» Hiệu quả từ phiên tòa rút kinh nghiệm đối với công tác tự đào tạo của Viện kiểm sát nhân dân huyện Trần Đề