Hoạt Động
THỐNG KÊ & CNTT
SỔ TAY KIỂM SÁT VIÊN
Chế định xóa án tích theo Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
Xóa án tích cho người bị kết án là một trong những nội dung quan trọng của Luật Hình sự Việt Nam. Đây là một trong những quy định ảnh hưởng trực tiếp đến nhân thân của người bị kết án vì trong một số trường hợp nếu người phạm tội đã bị kết án, thuộc trường hợp có án tích nhưng chưa được xóa là một trong những cơ sở để định tội; để xem xét tái phạm, tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung hình phạt trong một số tội phạm hoặc là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bộ luật hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung cơ bản chế định xóa án tích cho người bị kết án theo hướng mở rộng đối tượng được xóa án tích hoặc được coi là chưa có án tích, nhân đạo, khoan hồng đối với người bị kết án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, sớm ổn định để làm ăn, sinh sống. Cụ thể những trường hợp không bị coi là có án tích như người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt (theo quy định tại khoản 2 Điều 69 BLHS); Người bị kết án là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với mọi trường hợp phạm tội (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 107 BLHS); Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng với lỗi vô ý (theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 107 BLHS); Người bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương XII Bộ luật hình sự.
Về đương nhiên xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
- Một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
- Hai năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
- Ba năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
- Năm năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định trên thì thời hạn được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
Thời hạn xóa án tích căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên và thời điểm tính thời hạn xóa án tích được tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách của án treo. Trong thời hạn quy định này cần phải chấp hành xong các quyết định còn lại có trong bản án bao gồm cả hình phạt bổ sung.
Tuy nhiên tại khoản 3 Điều 70 Bộ luật hình sự cũng quy định Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật hình sự, như vậy sẽ có hai trường hợp xảy ra:
Trường hợp 1: Từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn Một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; Hai năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; Ba năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; Năm năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án. Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định trên thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
Trường hợp 2: Từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn tương ứng như trên.
Điều 60 Bộ luật hình sự quy định thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên. Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với người bị kết án được quy định như sau:
- Năm năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 03 năm trở xuống;
- Mười năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 03 năm đến 15 năm;
- Mười lăm năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 15 năm đến 30 năm;
- Hai mươi năm đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình.
Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trong thời hạn trên người bị kết án lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới. Người bị kết án cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ.
Mục 7 Phần I Công văn số 64/TANDTC-PC, ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính, giải đáp như sau:
Điều 70 của Bộ luật Hình sự quy định về các điều kiện đương nhiên được xóa án tích, trong đó có điều kiện: người bị kết án nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án. Như vậy, Bộ luật Hình sự không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp xong hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do gì. Hơn nữa, pháp luật thi hành án dân sự quy định nhiều phương thức thi hành để người phải thi hành án có quyền lựa chọn như: tự nguyện thi hành, thỏa thuận thi hành án hoặc nhờ thân nhân nộp thay.
Do vậy, trường hợp người bị kết án (sau này là bị can, bị cáo trong một vụ án mới) không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự nên chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Trong trường hợp này, người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự.
Nội dung giải đáp trên không đề cập đến vấn đề thời hiệu thi hành bản án theo quy định tại khoản 3 Điều 70, và Điều 60 Bộ luật hình sự, như vậy nếu người bị kết án hết thời hiệu thi hành bản án theo quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật hình sự nhưng chưa nộp án phí hình sự sơ thẩm thì người bị án kết án có thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích theo Điều 70 Bộ luật hình sự không?
Đối với trường hợp người bị kết án không nộp án phí hình sự sơ thẩm do Tòa án không gửi Bản án có hiệu lực pháp luật để Cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án chủ động, hoặc Tòa án có gửi Bản án có hiệu lực pháp luật nhưng Cơ quan thi hành án dân sự không ra Quyết định thi hành án đối với án phí hình sự sơ thẩm; hoặc Cơ quan thi hành án dân sự có ra Quyết định thi hành án đối với án phí hình sự sơ thẩm nhưng không tống đạt cho người bị kết án, hoặc những trường hợp khác thuộc lỗi của cơ quan tư pháp mà người bị kết án không đóng án phí hình sự sơ thẩm. Mặc khác Luật thi hành án dân sự cũng không quy định thời hiệu thi hành đối với án phí hình sự. Vậy thì người bị kết án không thực hiện nghĩa vụ đóng án phí hình sự trong những trường hợp này nhưng hết thời hiệu thi hành bản án Điều 60 Bộ luật hình sự thì có làm căn cứ để xóa án tích theo quy định tại khoản 3 Điều 70 Bộ luật hình sự không?
Ví dụ: Nguyễn Văn A phạm tội Trộm cắp tài sản bị Tòa án tuyên xử 06 tháng tù, buộc Nguyễn Văn A phải chịu án phí hình sự 200.000 đồng. Chấp hành xong hình phạt tù ngày 01/01/2010, chưa chấp hành án phí hình sự 200.000 đồng (vì Cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định thi hành án chủ động đối với án phí hình sự). Đến ngày 01/01/2022 Nguyễn Văn A có hành vi trộm cắp tài sản trị giá 1.500.000 đồng. Như vậy Nguyễn Văn A có phạm tội trộm cắp tài sản hay không?
Quan điểm thứ nhất: Nguyễn Văn A đã bị Tòa án xử phạt 06 tháng tù về tội trộm cắp tài sản, chấp hành xong hình phạt tù, chưa chấp hành án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng nên không thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích. Vì vậy Nguyễn Văn A phạm tội trộm cắp tài sản theo quy định khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự. Việc Cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định thi hành án chủ động đối với án phí hình sự lỗi của cơ quan thi hành án sẽ có kiến nghị, nhưng khi Tòa án tuyên án, và giao bản án cho người thị kết án thì phần án phí hình sự đã nêu rõ trong bản án nên buộc người bị kết án buộc phải biết để thi hành, người bị kết án có nhiều phương pháp để thi hành có thể nhờ gia đình hoặc bản thân người bị kết án khi chấp hành xong hình phạt tù đem theo bản án đến cơ quan thi hành án dân sự để nộp tiền án phí hình sự.
Quan điểm thứ hai: Nguyễn Văn A không phạm tội trộm cắp tài sản. Vì Nguyễn Văn A bị xử phạt 06 thàng tù đã chấp hành xong hình phạt tù từ ngày 01/01/2010, mặc dù chưa nộp án phí hình sự sơ thẩm, nhưng từ khi chấp hành xong hình phạt tù đến ngày phạm tội mới (ngày 01/01/2022) là 12 năm đã hết thời hiệu thi hành bản án quy định tại điểm a khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự, đồng thời đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại khoản 3, điểm b khoản 2 Điều 70 Bộ luật hình sự.
Khoản 1 Điều 60 Bộ Luật hình sự quy định “Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên”, đồng thời khoản 3 Điều 70 Bộ luật hình sự cũng quy định “Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này”. Như vậy thì người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt tù, hết thời hiệu thi hành bản án và trong thời gian quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật hình sự không thực hiện hành vi phạm tội mới, nhưng chưa chấp hành các quyết định khác của Tòa án như án phí hình sự, bồi thường thiệt hại,… thì có đương nhiên được xóa án tích hay không? Hiện nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn trong trường hợp này gây khó khăn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc áp dụng pháp luật.
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp áp dụng pháp luật được thống nhất, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể khi áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 70 và Điều 60 Bộ luật hình sự về chế định xóa án tích./.
Âu Hoàng Mến
Tin liên quan
TIN MỚI NHẤT
KIẾN NGHỊ, KHÁNG NGHỊ VÀ HDNV
- Kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa (28-10-2021)
- Hướng dẫn áp dụng pháp luật trong giải quyết tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (20-10-2021)
- V/v hướng dẫn áp dụng pháp luật trong giải quyết các vụ án về tội xâm phạm sở hữu (06-10-2021)
- Hướng dẫn yêu cầu điều tra về tình tiết khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng theo quy định tại điểm p khoản 1 Điều 51, điểm k, khoản 1, Điều 52 BLHS (24-09-2021)
- Giải đáp khó khăn vướng mắc trong công tác giải quyết vụ án hình sự trong thời gian thực hiện giản cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (24-09-2021)
THÔNG BÁO
- Quyết định về việc giao dự toán tiền lương, quỹ tiền thưởng của biên chế năm 2025 (27-12-2024)
- Thông báo nội dung ôn tập kỳ thi tuyển công chức nghiệp vụ kiểm sát năm 2024 (18-11-2024)
- Thông báo về việc tuyển dụng công chức nghiệp vụ Kiểm sát ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024 (11-11-2024)
- Thông báo điều chỉnh, bổ sung kế hoạch tuyển dụng công chức nghiệp vụ kiểm sát năm 2024 (31-10-2024)
- Thông báo tuyển dụng công chức năm 2024 (04-10-2024)