Hoạt Động
THỐNG KÊ & CNTT
SỔ TAY KIỂM SÁT VIÊN
Những vụ án mạng "giết người thân": Nỗi đau còn lại
Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng từ đầu năm 2017 đến nay, phát sinh 36 vụ án giết người trong đó có 07 vụ giết người thân và đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong gia đình. Liên tiếp các vụ án mạng xảy ra trong gia đình đã khiến dư luận bất an, lo lắng về sự vô cảm của con người. Điều đó cho thấy hiện nay khi xã hội ngày càng phát triển, một số người dần mất đi tính chuẩn mực về đạo đức xã hội, đạo nghĩa gia đình, lối sống và văn hóa ứng xử giữa con người với nhau đang là vấn đề báo động.
Một vụ việc điển hình: Lê Văn Ri, sinh năm 1947, sống lang thang tại Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh với chị Võ Thị Bảnh, sinh năm 1971, ngụ ấp 2, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng sống chung như vợ chồng. Cuối năm 2017, ông Ri với "vợ hờ" xảy ra mâu thuẫn nên bà Loan bỏ đi. Người đàn ông này nhiều lần đến nhà bà Phương để tìm bà Loan nhưng không gặp. Sáng 5/1, ông Ri chạy xe máy từ TP.HCM đến Kế Sách với ý định giết bà Phương, do nghi ngờ bị gia đình nạn nhân chia cách tình cảm. Khuya cùng ngày, người đàn ông không nghề nghiệp này đã đấu nối dây đồng với nguồn điện trong căn chòi gần nhà nạn nhân. Đầu dây điện còn lại Ri cột vào nhánh cây khô rồi kéo vào nhà bà Phương để chích điện nạn nhân nhưng bất thành. Trong lúc hai người giằng co, Ri rút dao giấu sẵn trong người đâm chết bà Phương. Nghe con gái kêu la, bà Năm chạy đến chỗ Ri thì bị đâm nhiều nhát. Chồng bà Phương là ông Nguyễn Thanh Đời nắm áo Ri kéo ra ngoài cũng bị kẻ sát nhân vung dao đâm nhưng không trúng. Sau khi gây án, Ri trốn về TP.HCM nhưng bị cảnh sát lần theo dấu vết và bắt giữ vào sáng 6/1. Mẹ con bà Năm thì chết tại chỗ vì những vết thương thấu ngực, gây thủng phổi và mất máu.Hiện vụ việc đã được đưa ra xét xử và kẻ thủ ác bị tuyên hình phạt tử hình.
Ám ảnh là việc sát hại người thân, người cùng huyết thống như vụ án mạng nói trên, không phải là hiếm trong thời gian gần đây. Cụ thể là vụ Nguyễn Thanh Tuấn, sinh năm 1987, ngụ tại số 124C, đường Xà Lan, khóm 5, phường 7, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng “ngáo đá” sát hại mẹ ruột, xảy ra vào ngày 04/5/2018, Nguyễn Thanh Tuấn sau khi sử dụng ma túy đá và uống rượu về, đến khoảng 21 giờ cùng ngày khi chuẩn bị đi ngủ Tuấn ngửi thấy mùi gas phía nhà sau nên gọi mẹ là bà Nguyễn Đức Huề đi xem, bà Huề xem thấy không có gì nên Tuấn đi xem lại, lúc này bà Huề chửi Tuấn vài câu và cầm cây đũa ăn cơm đâm vào ngực Tuấn 01 cái khiến bị trầy xước nhẹ, Tuấn gạt tay bà Huề ra nhưng bà Huề tiếp tục đâm 01 cái nữa trúng nhẹ vào ngực Tuấn, Tuấn mới xô bà Huề ngã xuống nền gạch rồi bỏ vào phòng, bà Huề đi theo sau dùng tay bóp cổ Tuấn, Tuấn tức giận dùng sợi dây thắt lưng đang đeo trên người xiết cổ bà Huề dẫn tới tử vong. Sau đó Tuấn bỏ trốn đến khu nhà hoang trong Khu dân cư Minh Châu. Đến 17 giờ ngày 05/05/2018 Tuấn đến Công an Phường 7, thành phố Sóc Trăng đầu thú. Vụ án sau đó được đưa ra xét xử và hình phạt thích đáng cho đứa con bất hiếu ấy là bản án chung thân đang phải chấp hành.
Và mới đây nhất vào ngày 21/8/2019, Tòa án nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm hình sự công khai đối với bị cáo Châu Hữu Hạnh, sinh năm 1986, tạm trú Khóm 7, Phường 8, TP. Sóc Trăng về tội giết người mà nạn nhân cũng là “vợ hờ” của bị cáo. Theo cáo trạng, bị cáo Hạnh và bị hại Lê Thị Thanh Thúy sống chung như vợ chồng (không đăng ký kết hôn) từ năm 2014 và có một người con chung sinh năm 2016. Vào khoảng 16 giờ, ngày 21-2-2019, Thúy có việc đi ra ngoài. Đến 22 giờ cùng ngày, bị cáo không thấy vợ về nên điện thoại, thì được biết là Thúy đang nhậu. Khi đó, Hạnh tức giận, đi ra nhà bếp lấy con dao Thái Lan bỏ vào túi quần, rồi chạy xe máy đi tìm vợ. Khoảng 23 giờ, Hạnh gặp Thúy đang ngồi uống rượu với 2 người bạn. Hạnh dừng xe trước quán, điện thoại nhưng vợ không về và tắt máy. Bị cáo ngồi trước quán đợi vợ khoảng 00 giờ 30 ngày 22-2-2019, Thúy ra về, trên xe có trở người bạn, chạy về hướng Hồ Nước Ngọt. Trên đường đi, Thúy dừng xe trên đường thì bị chồng điều khiển xe gắn máy phía sau đụng vào xe bị hại. Thấy vợ bị ngã, Hạnh bước xuống xe, lấy dao kề vào cổ và lôi Thúy đứng dậy. Sau đó, cả hai xảy ra cự cãi; khi bị cáo đòi đâm vợ thì bị hại có lời lẽ thách thức. Lúc đó, Hạnh đã cầm dao đâm 2 nhát liên tục vào bụng Thúy. Sau đó, thấy bị hại bất tỉnh nên Hạnh và mọi người đã đưa đi cấp cứu nhưng Thúy đã tử vong. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt, bị cáo Hạnh đã dùng dao đâm vào bụng bị hại dẫn đến tử vong. Trước hành vi trên, Hội đồng xét xử đã tuyên mức án 18 năm tù đối với Hạnh.
Ảnh: Bị cáo Hạnh tại phiên tòa
Hay vụ án mới xảy ra vào tối ngày 12/9/2019, Thạch Phinh cùng với vợ là La Thị Hồng và cháu nội là Thạch Đà Ra ngủ tại nhà thuộc ấp Cần Đước, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Đến khoảng 00 giờ 30 phút ngày 11/9/2019, do khó ngủ, Thạch Phinh thức giấc, bà Hồng thấy vậy nên kêu ngủ nhiều lần nhưng Thạch Phinh vẫn không ngủ được mà tức giận bà Hồng vì cho rằng bà Hồng nói lăng nhăng hoài. Thạch Phinh rượt đánh bà Hồng nên bà Hồng chạy ra khỏi nhà theo hướng Quốc Lộ 1 về cầu Cần Đước để truy hô mọi người cứu giúp nhưng không có ai cứu. Thạch Phinh bế cháu nội đuổi theo và tiếp tục dùng tay, gạch, đá đánh liên tiếp vào người bà Hồng. Đến đoạn trước quán nhậu 9999 thuộc ấp Cần Đước, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, người dân phát hiện và báo Công an. Công an xã Thạnh Phú liền cử lực lượng đến hiện trường phát hiện Thạch Phinh đang dùng đá đập vào vùng đầu của bà Hồng nên lực lượng chức năng đã khống chế, bắt giữ Thạch Phinh. Hành vi dùng gạch đá đánh vào đầu bà Hồng đã gây vỡ hộp sọ, nhu mô não chảy ra và dẫn đến tử vong. Hiện vụ án đã được khỏi tố để tiếp tục điều tra làm rõ.
Nguyên nhân phát sinh
Trên đây là ba trong số những vụ án mạng mà nguyên nhân chính là do mâu thuẫn chuyện gia đình, hoặc ghen tuông, nghi ngờ có ngoại tình. Từ những vụ án nêu trên, có thể thấy hành vi dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong gia đình không còn là hiện tượng đơn lẻ, mà đã “bùng phát” trong những năm vừa qua.
Có thể thấy tội ác trong gia đình xảy ra nhiều trong thời gian gần đây do rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân đáng chú ý nhất chính sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo nghĩa gia đình, sợi dây kết nối bằng huyết thống và hôn nhân lỏng lẻo hơn. Con người ta sống vì lợi ích cá nhân, vô cảm, bàng quan với nhiều vẫn đề....Trên một nền tảngyếu ớt như thế, khi phát sinh mâu thuẫn trong gia đình, họ dễ dàng tìm đến cách xử lý mang tính bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, không quan tâm đếndù đó là người thân sống chung dưới một mái nhà. Bên cạnh đó, bản thân những người trong cuộc cũng chạy theo những hào nhoáng bên ngoài xã hội, đua đòi, thiếu sự quan tâm đến các thành viên trong gia đình, không biết vung đắp nền tảng cuộc sống hôn nhân, nhiều người mắc vào các tệ nạn xã hội hoặc sống thiếu thủy chung… đó cũng là một trong những nguyên nhân góp phần thúc đẩy bạo lực trong gia đình xảy ra.
Những vụ án xảy ra đã để lại nhiều nỗi đau cho gia đình người bị hại và hệ lụy cho xã hội.
Khi các chuẩn mực và giá trị đạo đức gia đình bị bỏ quên thì điều tất yếu sẽ phát sinh các vụ án liên quan đến bạo lực gia đình mà đáng nói nhất chính là hành vi giết người thân.
Đối tượng gây án và bị hại có thể là vợ chồng cùng chung sống dưới một mái nhà, anh em ruột thịt, cha, mẹ, con hoặc người thân khác. Và dù là ai đi nữa thì hành vi ấy sẽ luôn để lại một nỗi đau không cách gì lành lại, cho chính bản thân đối tượng và những người còn lại. Họ sẽ ray rứt cho phút giây thiếu suy nghĩ, hối hận cho những yêu thương muộn màng nếu bản thân biết quý trọng các mối quan hệ gia đình, tiếc nuối cuộc sống đã qua và lo lắng cho những ngày sắp tới. Tuy nhiên, pháp luật là nghiêm minh, dù vì lý do gì thì hành vi phạm tội cũng sẽ bị nghiêm trị, thứ chờ họ phía trước là những tháng ngày cãi tạo sau song sắt hay là cái án tử hình chỉ chờ ngày được thực thi.
Hành vi phạm tội bị sẽ trừng trị thích đáng nhưng những hệ lụy để lại cho xã hội là không hề nhỏ, khi mà con cái, vợ chồng, gia đình họ phải mang tiếng là người thân kẻ giết người, bị dòm ngó, dèm pha, bị xa lánh. Những đứa trẻ vô tội trở thành mồ côi và con đường tương lai của các em cũng dần nhỏ lại hay những gia đình từ anh em ruột thịt, thân thiết trở thành thù hằn lẫn nhau. Và lòng tin trở thành thứ xa xỉ trong chính gia đình họ. Những đứa trẻ trong các gia đình đó sẽ và đang lớn lên trong một môi trường như thế thì liệu rằng chúng có thể trở thành một người tốt được chăng?
Mở rộng hơn, các tội phạm này không chỉ gây tổn hại cho người trực tiếp hứng chịu, mà còn tác động tiêu cực đến những người xung quanh và gây rối loạn trật tự và an toàn xã hội.
Ngăn chặn những vụ việc đau lòng
Để từng bước góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, làm giảm các vụ giết người nói chung hay các vụ án mạng trong gia đình nói riêng, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về giá trị đạo đức, truyền thống gia đình, xóm, làng, truyền thống dân tộc... Định hướng cho thể hệ trẻ xây dựng, hình thành nhân cách đúng đắn; ứng xử phù hợp đạo đức truyền thống của dân tộc; lên án những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, đi ngược truyền thống và vi phạm pháp luật… Qua đó, góp phần giúp các thành viên trong xã hội nâng cao nhận thức, ứng xử phù hợp hơn.
Lực lượng chức năng cần xây dựng các hình thức tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ pháp luật, tư vấn xử lý các tình huống, hòa giải mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể xã hội, mô hình hòa giải ở cơ sở, vai trò người có uy tín trong hòa giải các mâu thuẫn, không để phát sinh tội phạm. Đồng thời, ngành tập trung nâng cao hiệu quả xử lý, tố giác tin báo về tội phạm giết người nói chung và giết người thân nói riêng xảy ra trên địa bàn; kịp thời ngăn chặn các vụ việc, biểu hiện có thể dẫn đến hành vi phạm tội; nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm giết người thân, đảm bảo mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm, qua đó tuyên truyền, giáo dục về phương thức, thủ đoạn của tội phạm; tuyên truyền về nguyên nhân, điều kiện xảy ra vụ án để nhân dân lên án, cảnh giác, tự mình có ý thức phòng ngừa tội phạm, tôn trọng pháp luật.
Lê Thị Bích Ngọc
Tin liên quan
TIN MỚI NHẤT
KIẾN NGHỊ, KHÁNG NGHỊ VÀ HDNV
- Kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa (28-10-2021)
- Hướng dẫn áp dụng pháp luật trong giải quyết tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (20-10-2021)
- V/v hướng dẫn áp dụng pháp luật trong giải quyết các vụ án về tội xâm phạm sở hữu (06-10-2021)
- Hướng dẫn yêu cầu điều tra về tình tiết khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng theo quy định tại điểm p khoản 1 Điều 51, điểm k, khoản 1, Điều 52 BLHS (24-09-2021)
- Giải đáp khó khăn vướng mắc trong công tác giải quyết vụ án hình sự trong thời gian thực hiện giản cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (24-09-2021)
THÔNG BÁO
- Thông báo tuyển dụng công chức năm 2024 (04-10-2024)
- Quyết định về việc công bố công khai quyết toán ngân sách năm 2023 của VKSND tỉnh Sóc Trăng (28-08-2024)
- Thông báo kết quả thi tuyển công chức nghiệp vụ Kiểm sát đợt 2 năm 2023 và hướng dẫn thủ tục phúc khảo (14-06-2024)
- Thông báo về việc triệu tập thí sinh đủ điều kiện thi vòng 2 kỳ thi tuyển công chức NVKS (đợt 2 năm 2023) (13-05-2024)
- Thông báo điểm thi vòng 1 kỳ thi tuyển công chức đợt 2 năm 203 của VKSND tỉnh Sóc Trăng (26-04-2024)