Để có trải nghiệm tốt hơn trên trên trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Sóc Trăng, bật JavaScript trong trình duyệt của bạn
Bật javasrcipt trình duyệt Chrome Bật javasrcipt trình duyệt IE
chi tiết tin

Trung Quốc xây dựng đảo ở Trường Sa là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam

 

Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Lê Hải Bình khẳng định hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc gần đây đã thực hiện một số hoạt động trái phép tại bãi Gạc Ma cũng như tại quần đảo Trường Sa, người phát ngôn Lê Hải Bình khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý và cơ sở để khẳng định chủ quyền của mình ở quần đảo Trường Sa. Mọi hành động đơn phương của nước ngoài nhằm làm thay đổi hiện trạng ở khu vực này đều là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông và khu vực.”

 
Liên quan đến việc cải tạo đảo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã bị các phóng viên truy vấn về việc nước này xây dựng đảo nhân tạo và căn cứ quân sự (bất hợp pháp) trên 6 bãi đá nằm trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc thôn tính, chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1988 đến nay).


Theo tờ Hoàn Cầu, khi phóng viên đã đặt câu hỏi Trung Quốc đã và đang tiến hành hoạt động xây dựng (trái phép) quy mô lớn, biến một số bãi đá ở Trường Sa thành đảo nhân tạo, tại sao Bắc Kinh lại làm như vậy? Bà Hoa Xuân Oánh trả lời, (cái gọi là) lập trường của Trung Quốc rất rõ, Trung Quốc có (cái gọi là) chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Trường Sa và các vùng biển phụ cận. Do đó hoạt động của Trung Quốc tại các bãi đá, rặng san hô ở Trường Sa là “sự vụ chủ quyền của Trung Quốc”, không có gì để bàn cãi?! Khi phóng viên tiếp tục truy hỏi, Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn như vậy là nhằm mục đích thương mại hay tính toán quân sự? Bà Hoa trả lời, theo bà ta biết thì các hoạt động xây dựng (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Trường Sa chủ yếu là “cải thiện điều kiện sống và làm việc (bất hợp pháp) của các “nhân viên” trên đảo...

Truyền thông và giới phân tích quốc tế lưu ý rằng, không ai có khả năng chắc chắn Trung Quốc sẽ làm gì với những hòn đảo mới. Philippines quan ngại Trung Quốc sẽ xây 1 căn cứ không quân trái phép ở Gạc Ma, tuy nhiên Bắc Kinh cũng có thể đưa dân thường ra những đảo nhân tạo này để củng cố yêu sách (vô lý, phi pháp của họ). Hoạt động này cũng có thể là xây dựng các đảo như một kết thúc riêng biệt. Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) các tính năng ngầm nước như những bãi cát ngầm không thể được tuyên bố bởi bất kỳ bên nào.

Ngoài ra phần 7 của UNCLOS quy định, các đảo, bãi đá không thể duy trì sự sống của con người hay đời sống kinh tế riêng, không duy trì được sự sống của con người thì không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Theo quy định này, toàn bộ quần đảo Trường Sa chỉ được giới hạn trong phạm vi 12 hải lý mỗi đảo, bãi đá mà không có vùng đặc  quyền kinh tế hay thềm lục địa.

Giới phân tích quân sự cũng cho rằng, việc Trung Quốc đang bí mật xây dựng phi pháp, biến đảo đá san hô Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, thành một sân bay quân sự có chiều dài chừng 2.000m là một hành động rất đáng quan ngại. Trên thực tế với đường băng dài 2.000 m, Trung Quốc có thể triển khai các máy bay tân tiến của PLA như: Su-30, J-11 và J-10 đến Trường Sa. Điều này cho phép Trung Quốc tiến hành các hoạt động trên không ở Biển Đông và toàn bộ khu vực vịnh Malacca - mối đe dọa cho các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trong khu vực.

Ngoài ra giới phân tích cũng cho rằng, trong chiến tranh hiện đại, làm chủ vùng trời tác chiến là giành chiến thắng, do đó, tác chiến của không quân là yếu tố quyết định thành bại của chiến dịch, chiến tranh. Trong khi đó ở thời điểm hiện tại không có bất kỳ một máy bay nào của Trung Quốc (dù hiện đại như SU-30) có thể tác chiến được ở khu vực Trường Sa nếu như xuất phát tại Hải Nam. Và phải chăng việc cải tạo đảo chính là để hóa giải “tử huyệt” này của Trung Quốc trong chiến lược bá chủ Biển Đông.

 

Sơn Hải - Báo BVPL

 


Tin liên quan

» Đồng chí Nguyễn Hải Trâm giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Tiền Giang
» INFOGRAPHICS: Tóm tắt tiểu sử Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Lê Minh Trí
» [INFOGRAPHICS] Tiểu sử Bí thư Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí
» [INFOGRAPHICS] Tiểu sử Tân Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang
» [INFOGRAPHICS] Tiểu sử Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long